Cử tri quan tâm trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thổi giá kit test COVID-19
Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Sáng 21/12, Phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành các nội dung phiên họp.
Cử tri kiến nghị sớm triển khai chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng COVID-19
Trình bày Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri cũng có kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm và thực hiện các chính sách trợ giá nông sản, hỗ trợ thiệt hại về cây ăn trái bị mất mùa, mất giá, không tiêu thụ được nông sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để người dân an tâm sản xuất và đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống; có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được di học đến trường.
Tình hình dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng trên tất cả các mặt đời sống xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát, đổi mới cách thức tiến hành giám sát, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát.
Theo báo cáo của 56 Đoàn đại biểu Quốc hội, trong tháng 11 các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 947 đơn thư, trong đó có 208 khiếu nại, 89 tố cáo, còn lại là 287 kiến nghị, phản ánh; xếp lưu 455 đơn. Trong số 429 đơn đủ điều kiện xử lý, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển 364 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 87 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 134 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá công tác dân nguyện của Quốc hội; các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy trì thường xuyên và thực hiện ngày càng hiệu quả. Các đại biểu cũng đề nghị Ban Dân nguyện và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết những ý kiến, kiến nghị còn tồn đọng trong thời hạn giải quyết, giải quyết dứt điểm những vụ việc đã kéo dài; nên tổng hợp thêm về tình hình kinh tế - xã hội để báo cáo dày dặn, chi tiết hơn. Báo cáo cũng tổng hợp thêm những kiến nghị của cử tri như tháo gỡ khó khăn về thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm cho người F0 điều trị tại nhà; quy định người dân phải thanh toán chi phí xét nghiệm ở các tỉnh phía Nam chưa hợp lý; liên quan đến vụ thổi giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, chất lượng bộ kit xét nghiệm này có đảm bảo hay không, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào trong vụ việc này?...
Cần giải quyết chế độ bảo hiểm cho F0 điều trị tại nhà
Thảo luận về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần nghiên cứu từng bước chuẩn hoá bố cục báo cáo hàng tháng và làm sao phản án tính thời sự của thông tin, nhất là các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh việc báo cáo đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh và thích ứng linh hoạt, an toàn, phục hồi phát triển kinh tế; đề nghị nhiều nội dung hiện dư luận rất quan tâm cần rà soát, tổng hợp đưa vào báo cáo.
Vấn đề đầu tiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đó là tình trạng hàng ngàn người mắc COVID-19 ở TP.HCM đang điều trị tại nhà chưa được được giải quyết chế độ bảo hiểm chì vì yêu cầu phải có giấy xin nghỉ ốm. “Bối cảnh cụ thể họ là F0, cả phường, xã đều biết thì có nhất thiết máy móc phải xin giấy nghỉ ốm hay không? Hay thay vào đó trạm y tế đóng dấu xác nhận F0 thay cho nghỉ ốm có được không? Rất nhiều người kinh tế khó khăn mà thanh toán bảo hiểm không được kịp thời gây bức xúc” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đặt vấn đề.
Nội dung thứ hai, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng là tại Bình Dương có tình trạng người lao động phải nộp tiền xét nghiệm, có người phải bỏ tiền túi trả đến 4,5 triệu đồng, gần hết cả tháng lương. “Báo chí phản ánh, hiện cơ quan chức năng vào cuộc. Đây là vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, cần công khai thông tin, minh bạch trong giải quyết” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị.
Một vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh dư luận đang bức xúc trước thông tin về “thổi giá” kit test COVID-19 mà cơ quan điều tra đang xử lý theo quy trình tố tụng. “Báo chí, dư luận rất quan tâm chất lượng kit test. Truyền hình đưa lên nơi sản xuất như nhà kho hợp tác xã; WHO không công nhận chất lượng để áp dụng chung nhưng Bộ Y tế thì công nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam. Vấn đề cử tri quan tâm chất lượng kit có đáp ứng chuyên môn hay không? Trách nhiệm cơ quan liên quan, kể cả một số bộ đến đâu?. Chưa nói sai - đúng nhưng rất nhiều địa phương đấu thầu giá rất cao” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn chứng và cho rằng, báo cáo nên đề cập.
Bổ sung việc khắc phục khó khăn về sinh kế cho người dân
Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sắp tới Quốc hội họp kỳ họp bất thường sắp tới dù không tiếp xúc cử tri, nhưng đề nghị các đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội cần cần chủ động nắm bắt, theo dõi ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước qua nhiều kênh, nhất là vụ việc đang có tính chất nổi cộm hiện nay.
“Nổi lên bây giờ là tình hình thiệt hại do bão lũ; chỉ đạo, lãnh đạo khắc phục khó khăn về sinh kế cho người dân là vấn đề lớn. Rồi thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đến nay có gì tiến bộ, bất cập gì hay kết quả sơ bộ ra sao? Tính công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong phòng chống dịch, như vấn đề nổi lên là giá kit test xét nghiệm...” – Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và cho rằng, nên chăng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thông qua giám sát cung cấp thông tin để Ban Dân nguyện tổng hợp, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo cung cấp thông tin tới đại biểu Quốc hội đối với vấn đề nổi lên được dư luận nhân dân và cử tri quan tâm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo do Ban Dân nguyện chuẩn bị; đồng thời đề nghị tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá rõ sự chuyển biến, tiến bộ; bổ sung tình hình chung liên quan thanh toán bảo hiểm cho F0, việc người lao động phải trả tiền xét nghiệm giá cao, giá xét nghiệm và vụ việc xung quanh giá xét nghiệm.
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương đề nghị, thời gian tới, Ban Dân nguyện cần tiếp tục làm tốt các nội dung của công tác dân nguyện như: đôn đốc việc trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng đúng thời hạn luật định; tập trung rà soát đơn thư, phân loại để chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết; rà soát các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài để tham gia, phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc; đôn đốc Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban tăng cường giám sát xử lý đơn thư, kịp thời ban hành văn bản đôn đốc đối với những trường hợp quá thời hạn, cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết, qua đó đã góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.