Cuộc gặp chân thành, cởi mở của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand

16:30 10/03/2024

Chiều tối 10/3, giờ địa phương, ngay sau khi xuống sân bay Wellington, New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand.

Khi Thủ tướng bước vào hội trường, đã có rất đông kiều bào, du học sinh đến từ nhiều thành phố của cả Đảo Bắc và Đảo Nam của New Zealand có mặt, đứng lên vỗ tay đón chào người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm, trò chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rất nhiều sẻ chia chân thành, trách nhiệm của bà con kiều bào

Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung trân trọng chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn công tác cấp cao của Chính phủ, cho biết chuyến thăm chính thức của Thủ tướng đến New Zealand có ý nghĩa to lớn khi hai nước đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đại sứ khẳng định, cuộc gặp của Thủ tướng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với kiều bào xa quê nói chung, kiều bào ở New Zealand nói riêng. Điều đó đã mang lại niềm tự hào dân tộc cho bà con kiều bào, giúp kiều bào cảm nhận được tình cảm ruột thịt với quê hương, từ đó tạo ra những cảm hứng mới cho kiều bào ở New Zealand.

Đại sứ Nguyễn Văn Trung đã khái quát một số nét cơ bản về tình hình người Việt Nam ở New Zealand và nhưng nét mới trong hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây như: Việc lần đầu tiên Quốc hội New Zealand có 1 nghị sĩ người Việt Nam, lần đầu tiên Quốc hội nước này tổ chức Tết Nguyên đán cho người Việt Nam…    

Thủ tướng vui mừng khi cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand tham dự cuộc gặp rất đông đảo với các đại biểu ở đủ các lứa tuổi, các giới, ngành nghề khác nhau; khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch người Việt Nam ở Wellington, bày tỏ vinh dự được thay mặt bà con kiều bào dự lễ gặp mặt. Ông báo cáo với Thủ tướng, Hội người Việt Nam ở Wellington được thành lập vào tháng 4/2011, là nơi gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau của bà con kiều bào, du học sinh hỗ trợ. Hàng năm, Hội vẫn tổ chức các buổi gặp mặt nhân Ngày Tết Thiếu nhi và Tết Nguyên đán để mọi người gắn bó với nhau hơn, thế hệ trẻ hiểu về nguồn cội, dân tộc.

Trong các buổi gặp mặt này, mọi người luôn mời các bạn bè nước ngoài để quảng bá về con người, đất nước và văn hoá Việt Nam. Hiện tại, tại New Zealand có khoảng 15 nghìn người Việt Nam sinh sống, trong đó có hơn 8 nghìn kiều bào, 6 nghìn du học sinh, sinh viên. Cộng đồng người Việt đã và đang giúp đỡ lẫn nhau bằng nhiều hình thức, bằng tình yêu thương. Nhân đây, ông Thái cũng thay mặt bà con kiều bào mong muốn được tăng cường hợp tác về văn hoá, giao lưu nhân dân, tạo sự hiểu biết, gắn kết của kiều bào với nhân dân trong nước; mong Việt Nam có những chính sách thuận lợi hơn nữa để kiều bào có thể trở về đóng góp cho đất nước nhiều hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt.

Cụ Nguyễn Đình Hai, cao tuổi nhất trong cộng đồng người Việt ở New Zealand, vừa được nhận Huân chương của Nữ hoàng Anh cho những đóng góp của người Việt ở New Zealand cũng xúc động cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng và Phu nhân cùng đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với đời sống của kiều bào ở New Zealand.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc gặp mặt của người đứng đầu Chính phủ với các kiều bào diễn ra trong không khí rất cởi mở, chân tình, vượt qua những khuôn khổ bình thường. Với sự cho phép và động viên của Thủ tướng, rất nhiều bà con kiều bào đã xin phép được phát biểu, từ những người cao niên như cụ Nguyễn Đình Hai, đến các bạn sinh viên, có người là doanh nhân, có người là luật sư, nhưng cũng có những người là công dân bình thường, họ đến và xúc động nói rằng, không nghĩ lại có cơ hội được trò chuyện thân mật với người đứng đầu Chính phủ như thế.

Chị Diễm Thuý, doanh nhân, nêu một số khó khăn của các doanh nghiệp khi nhập nông sản từ Việt Nam sang vì New Zealand là thị trường không lớn, khoảng cách địa lý lại cách xa… Chị Nguyễn Thị Thu Hương, 20 năm ở New Zealand, là giáo viên và có trường đào tạo về ngành làm đẹp, muốn về Việt Nam đóng góp trong việc đào tạo ngành làm đẹp cho người Việt Nam và đưa những người đã được đào tạo sang New Zealand làm việc, bởi “Người Việt Nam có kỹ năng, năng khiếu trong ngành làm đẹp. Nếu đào tạo tốt được nghề này sẽ giúp đỡ nhiều người Việt Nam sang New Zealand có công việc ổn định, nuôi sống được cả gia đình". Chị mong rằng, Thủ tướng thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài về hợp tác để đào tạo người Việt Nam có bằng cấp được quốc tế thừa nhận, đáp ứng yêu cầu của quốc tế để thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm.

Bà Nguyễn Tường Lan, một giáo viên về hưu, có khao khát muốn được tổ chức các lớp tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sinh ra ở New Zealand, khao khát được chia sẻ vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam như tổ chức chương trình hát ru, hát dân ca quan họ và muốn các cơ quan hữu quan can thiệp để đơn giản hoá thủ tục về visa…

Chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ, chị đã sống ở New Zealand 20 năm, có mong muốn thành lập Hội Phụ nữ ở New Zealand để sinh hoạt đời sống tinh thần của chị em phụ nữ hạnh phúc hơn. Và chị gây bất ngờ cho cả hội trường khi đặt câu hỏi với Thủ tướng về những khó khăn mà ông đã phải trải qua?

Những người làm chính sách phải nghe hết thực tiễn

“Không có gì phong phú bằng thực tiễn. Những người làm chính sách mà không nghe hết thực tiễn thì không giải quyết thấu đáo hết được”- Thủ tướng nhấn mạnh, sau đó đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Trần Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn lần lượt giải đáp các vấn đề còn khắc mắc, các đề xuất giải quyết của bà con liên quan đến vấn đề mà các trưởng ngành phụ trách. Đồng thời, các đồng chí Bộ trưởng cũng đã nêu các chính sách của Đảng và Chính phủ trong các lĩnh vực liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, các định hướng ngắn hạn và dài hạn để giải quyết, tháo gỡ các vấn đề mà bà con kiều bào đang khúc mắc như vấn đề học tiếng Việt ở nước ngoài, xuất khẩu nông sản sang New Zealand, việc đơn giản hoá thủ tục làm visa...

Phu nhân Lê Thị Bích Trân tham dự buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, điều đó thể hiện tình cảm của kiều bào với quê hương, đất nước, sự chân thành trách nhiệm với cộng đồng. Thủ tướng cũng cảm ơn bà con kiều bào đã giúp đỡ, cổ vũ nhiệt tình cho Đội bóng đá nữ Quốc gia của Việt Nam tham gia World Cup tại New Zealand.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nêu rõ người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều này không khó để chứng minh.

Những năm vừa qua, kinh tế thế giới sau dịch COVID gặp khó khăn nhưng kinh tế nước ta vẫn ổn định, kìm chế được lạm phát, các cân đối lớn đảm bảo… An ninh quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công cuộc phòng, chống tham nhũng được thực hiện tích cực, vị thế quốc tế được nâng lên… “Chúng ta tự hào hơn vì càng khó khăn, áp lực, chúng ta càng nỗ lực, càng đoàn kết, thống nhất vượt qua”- Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng mong bà con tiếp tục đoàn kết, người đi trước giúp đỡ người đi sau, "lá lành đùm lá rách", đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nói về quan hệ giữa Việt Nam – New Zealand, Thủ tướng khẳng định càng ngày càng tốt đẹp, sang năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hiện quan hệ giữa hai nước là Đối tác chiến lược. “Hơn nữa, chúng tôi còn muốn New Zealand công nhận cộng đồng người Việt Nam ở New Zealand như một cộng đồng dân tộc thiểu số của New Zealand”- Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cho rằng, thật tự hào vì kiều bào ở New Zealand đều có cuộc sống ổn định, quý hơn nữa là kiều bào được người New Zealand tôn trọng, quý mến và giúp đỡ. Thời gian tới, Thủ tướng mong kiều bào được thành lập các hội, đoàn để có địa vị pháp lý hoạt động trên đất nước New Zealand. Tuy nhiên, phải làm các thủ tục pháp lý cho hoạt động đúng luật, đúng quy định. Bà con phải luôn đoàn kết, thống nhất, người đi trước giúp người đi sau, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn.  

Nhắc đến vấn đề đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại New Zealand, Thủ tướng cho biết, New Zealand đất rộng, người thưa, Việt Nam thì đất chật, người đông, vì thế hai bên có thể bổ sung cho nhau về vấn đề lao động việc làm. Các cơ quan chức năng cần làm việc với phía New Zealand để đưa được số người Việt Nam sang làm việc ở New Zealand nhiều hơn. Thủ tướng tin, cộng đồng người Việt Nam đi đâu cũng thành công, bà con đoàn kết, giúp đỡ, gắn bó với nhau trong tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng mong các em học sinh, sinh viên học thật giỏi, ra trường tìm được công ăn việc làm ổn định. Hiện Đảng, Nhà nước đã xây dựng các chính sách thu hút nhân tài,  kêu gọi các em đã trưởng thành về đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên,  các em ở lại làm việc tại New Zealand cũng tốt. “Làm ở đâu tốt nhất cho mình, miễn là có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt, đóng góp cho quê hương, đất nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các đề nghị của kiều bào đã nêu trong buổi gặp mặt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành xem xét, quan tâm giải quyết trả lời cho bà con. Vấn đề visa là đề xuất của nhiều bà con, Thủ tướng đề nghị các đơn vị chức năng của Việt Nam phối hợp cùng New Zealand giải quyết, nhằm đơn giản hoá các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục của người Việt Nam ở nước ngoài về, có các chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác về kinh tế, nông nghiệp. Dư địa hợp tác của 2 nước còn rộng, nhất là thị trường lao động, thế nên cần có chính sách đào tạo và xuất khẩu lao động hợp lý. Tăng cường giao lưu văn hoá, giao lưu nhân dân, khuyến khích việc lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở New Zealand.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mặc dù cuộc gặp mặt diễn ra trong một thời gian khá dài, Thủ tướng cùng Phu nhân và đoàn công tác vừa trải qua một hành trình bay từ Auckland đến Wellington, nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn trả lời lần lượt, đầy đủ các đề xuất, thắc mắc, câu hỏi của kiều bào. Cho đến cuối cùng, ông vẫn không quên trả lời câu hỏi của chị Nguyễn Thị Minh.

Thủ tướng đã rất xúc động khi nhớ và chia sẻ với kiều bào về tuổi thơ vất vả của ông. Nơi ông sinh ra là vùng biển, lớn lên thì ở miền núi, gia đình nghèo, đông con nên từ nhỏ ông đã luôn nỗ lực phấn đấu làm tốt mọi công việc. Ông đúc rút nguyên tắc làm việc xuyên suốt của mình “được giao công việc thì làm tốt; nghĩ ra, thấy những gì tốt cho mọi người thì cố gắng làm”. Tuy nhiên, ông khẳng định, nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì một học sinh nghèo miền núi như ông làm sao có thể ra nước ngoài du học được, dù nỗ lực bao nhiêu. Và ông nói, ông còn nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, anh em, đồng chí, đồng đội bằng tất cả tấm lòng.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác, ông đã được bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Trên cương vị công tác này, ông cho biết, phải cố gắng để có bản lĩnh, năng lực, phẩm chất cùng với đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tìm ra những đường lối, giải pháp tốt nhất, góp phần tháo gỡ khó khăn, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Câu trả lời rất chân thành của Thủ tướng đã nhận được những tràng pháo tay không dứt của kiều bào trong hội trường. Người đặt câu hỏi đó cho Thủ tướng, chị Minh chia sẻ, chị cảm thấy rất biết ơn vì câu trả lời của Thủ tướng và chị mong muốn thái độ sống tích cực, tinh thần nỗ lực vì cái chung sẽ tiếp tục lan toả tới tất cả mọi người.

Thu Hòa (từ Wellington, New Zealand)

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文