Đại biểu Quốc hội chất vấn về thuốc lá điện tử, Bộ Công an đề xuất cấm, sao Bộ Công thương đề xuất nghiên cứu?

17:25 11/11/2024

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, có 86 vụ với 155 người bị xử lý do đưa ma túy vào thuốc lá điện tử. Riêng 3 tháng đầu năm, 73 người bị xử lý về hành vi này.

Chiều 11/11, trong phiên chất vấn – trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm đó là cấm hay không cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tình trạng trộn lẫn ma tuý vào thuốc lá… Cụ thể là chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An); đại biểu Phạm Khánh Thu (đoàn Thái Bình); đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông)…

Tình trạng trộn ma túy vào thuốc lá điện tử ngày càng phức tạp

Là người đầu tiên chất vấn trưởng ngành y tế, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay, tác hại đến sức khỏe thanh thiếu niên và giải pháp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là giới trẻ. Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15-24 tuổi.  Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng, điện tử ảnh hưởng tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần. Năm 2023, có 1.234 người liên quan tới thuốc lá điện tử điều trị. "Trong bối cảnh có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, giờ lại thêm thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng rất lớn" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dẫn ví dụ 1 loại thuốc lá điện tử rất bắt mắt trẻ em.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính khiến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn tràn lan trên thị trường là do mặc dù chưa có quy định pháp luật cho phép kinh doanh các sản phẩm này, nhưng để thu lợi nhuận, nhiều công ty đã lợi dụng các hình thức tiếp thị tinh vi và sản phẩm có thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Để dẫn chứng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mang tới hội trường một số sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế, trang trí như đồ chơi trẻ em để thu hút và cho biết: "Hình thức thuốc lá điện tử rất bắt mắt với trẻ em, có ai hình dung đây là thuốc lá điện tử không ạ? Những sản phẩm này đưa ra trên thị trường, tính hấp dẫn thu hút giới trẻ rất nhiều".

Đại biểu Trần Khánh Thu chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử cho giới trẻ. "Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng, chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới".

Trả lời đại biểu Lê Thị Song An (Phó đoàn Long An) về việc ban hành quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của thuốc lá điện tử và đề xuất những giải pháp toàn diện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa nhấn mạnh với thiết kế bắt mắt và xu hướng thịnh hành thuốc lá điện tử đã trở thành một thách thức lớn trong công tác phòng, chống. Việc thay đổi hành vi của giới trẻ cần có thời gian và đòi hỏi những giải pháp lâu dài. Tình trạng trộn lẫn ma túy vào thuốc lá điện tử đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, có 86 vụ với 155 người bị xử lý do đưa ma túy vào thuốc lá điện tử. Riêng 3 tháng đầu năm, 73 người bị xử lý về hành vi này.

Trả lời chất vấn đại biểu Trần Khánh Thu về việc cấm thuốc lá mới đưa vào trong Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn sớm có giải pháp mạnh về vấn đề này; khẳng định đây là nội dung mà các đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu, xin ý kiến Quốc hội vì tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử thời gian qua đã thấy rõ.

Có hay không lợi ích nhóm trong việc đề xuất nghiên cứu thuốc lá điện tử?

Đặc câu hỏi nghi vấn về việc lợi ích nhóm trong việc muốn nghiên cứu thí điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết, tình trạng tẩm ướp ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng mạnh mà khó kiểm soát. “Vì vậy, Bộ Công an muốn cấm nhập khẩu, phân phối và quảng cáo dạng thuốc lá này, nhưng Bộ Công Thương muốn nghiên cứu thí điểm thêm để quản lý tốt hơn... Tuy nhiên, không ít cử tri phản ánh nhiều nhóm lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá đang tích cực vận động để duy trì thử nghiệm các loại thuốc lá này. Theo Bộ trưởng, các nhóm lợi ích này có vận động thành công ở Việt Nam hay không? Trách nhiệm của Bộ Y tế tham mưu ra sao mà đến nay Chính phủ chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này?" - đại biểu đoàn Gia Lai đặt câu hỏi và đồng thời chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định quan điểm Bộ Y tế không nhất trí thử nghiệm các loại thuốc lá này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tham gia trả lời chất vấn.

Tham gia trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, được quy định rõ trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật. Do vậy, trong thời gian dài vừa qua, chúng ta có khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình sản phẩm này.

Từ những năm 2019, 2020, do thiếu công cụ quản lý thuốc lá công nghệ mới trong khi các sản phẩm này đã len lỏi, phát triển mạnh trên thị trường, Bộ Công thương lúc bấy giờ đã đề xuất Chính phủ và được Chính phủ khóa trước xây dựng đề án thí điểm quản lý loại hình thuốc lá này. Khi lấy ý kiến của bộ, ngành, nhiều bộ, ngành đồng thuận với đề xuất của Bộ Công thương, chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cũng có những bộ, ngành phản đối, đặc biệt là Bộ Y tế, với quan điểm rằng đó là sản phẩm có hại cho sức khỏe.

“Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế, thống nhất rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, phải sớm có khung khổ pháp lý để cấm sản phẩm này. Bộ Công thương và cá nhân Bộ trưởng không đề xuất tiếp tục thí điểm đề án này. Thực tế, thời gian qua, Bộ Công thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh, cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý hàng trăm vụ việc đối với việc kinh doanh sản phẩm này. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này. Trong khi chưa sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng để tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ trưởng cũng lưu ý, nguồn hàng sản phẩm này chủ yếu do nhập lậu nên các lực lượng chức năng cần ngăn chặn tốt ngay từ các cửa khẩu, biên giới.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tranh luận cho rằng, hai loại thuốc lá này chưa được nhận diện trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, thuốc lá điện tử là dung dịch dễ được pha chế các chất gây nghiện vào trong đó. Do đó, cần phòng, chống để không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Việc nghiên cứu cấm hay không cấm thuốc lá thế hệ mới là phải có cơ sở. Nếu cấm thì cấm sản xuất, nhập khẩu hay cấm người hút lá điện tử, thuốc lá nung nóng? Và nếu có phát hiện người hút các loại thuốc lá trên thì xử phạt hình sự hay hành chính? Những nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải có đủ luận chứng khoa học để cấm.

Phương Thuỷ

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文