Đại biểu Quốc hội làm rõ nội dung, giải pháp Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý

17:08 08/11/2024

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng, chống ma túy đến năm 2030, chiều 8/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Thị Lưu Mai cho biết, nếu so mặt bằng chung thì tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là khả thi, hợp lý và khiêm nhường, trong bối cảnh chúng ta thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng tình cao nội dung "giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại"

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ cao với Chương trình MTQG phòng, chống ma tuý, vì đây là sự tiếp nối chương trình phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021 - 2025. "Bộ hồ sơ được chuẩn bị khá tốt, tôi nhận thấy hầu hết hồ sơ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị rất chu đáo, đồng thời cũng đã nhận được sự ủng hộ các bộ, ban, ngành liên quan", ông đánh giá.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm thảo luận tại tổ.

Góp ý kiến, đại biểu đề nghị tập trung nhiều hơn việc phòng ma tuý, vì phòng cần thiết và hiệu quả hơn rất nhiều. Phòng việc sản xuất, chế tạo, vận chuyển, mua bán...Hiện nay, có nhiều phương thức bán khác nhau, cả trực tiếp, cả mua bán qua mạng, càng ngày càng phức tạp, khó khăn. Còn trong sản xuất, trồng hái, phối trộn thì vấn đề phối trộn rất phức tạp, trong đó có cả những loại thuốc lá thế hệ mới, ma tuý xâm nhập dễ nhất, nhanh nhất. Thống nhất với nhóm vấn đề "giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại" được viết rất chi tiết, cụ thể trong tờ trình của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí mong qua Chương trình này, Bộ Công an và cả xã hội quan tâm đến thuốc lá thế hệ mới, vì con đường đến với ma tuý dễ nhất là rất nguy hiểm.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng thống nhất tinh thần, chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phòng, chống ma tuý của Chính phủ, bày tỏ vui mừng khi ngành Công an, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã vào cuộc khám phá nhiều đường dây ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam và các ổ nhóm ma tuý vận chuyển trong nước; đề cao tinh thần phá án trách nhiệm của Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác.

"Nhưng ma tuý vẫn len lỏi trong cuộc sống hằng ngày, xuất hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, không chỉ trung niên mà cả thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Thuốc lá điện tử là biến dạng của ma tuý tổng hợp, sáng nay đi vào ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, tôi thấy hai em nhỏ chỉ hơn chục tuổi đã cầm thuốc lá điện tử hút. Tại các khu dân cư, chùa chiền bắt gặp các em nhỏ trộm hòm công đức lấy tiền, khi hỏi ra thì đều nghiện ma tuý. Ma tuý làm xã hội bất ổn, bất an, mất trật tự, gây ra nhiều vụ án cướp tiệm vàng, giết người cũng do ma tuý...", đại biểu nêu thực tế.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Đồng tình với nội dung "giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại" mà tờ tình đề cập, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị, để xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương thì vấn đề phòng, chống ma tuý phải được quan tâm từ gia đình, phường, xã tới nhà trường. Nhận định ma tuý ngày càng tinh vi, núp bóng nhiều dạng, tẩm ướp trong thực phẩm, trong các loại bánh, nước uống của trẻ em... nhằm vào lớp trẻ, huỷ hoại thế hệ tương lai của đất nước, nên theo đại biểu, cần có sự huy động cả xã hội thì mới làm được. Công tác này cũng đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, lâu dài để nâng cao nhận thức phòng, chống ma tuý của toàn xã hội, chú trọng đội ngũ lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên...

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đổi mới

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, ma tuý không chỉ là tệ nạn, vấn nạn, mà là hiểm hoạ mang tính chất toàn cầu. Ma tuý đi vào mọi ngõ ngách của đời sống, từ trí thức, văn nghệ sỹ, người lao động, công nhân, nông dân..., không loại trừ một ai. "Vừa rồi tôi đi công tác Campuchia, họ đang có chiến dịch phòng, chống ma tuý ngay trong bộ máy Nhà nước. Nên nguy cơ ngay trong chính bộ máy Nhà nước cũng có ma tuý", đại biểu nói.

Đề cập hiện tượng ở những đô thị lớn, khu chung cư, có đối tượng thuê hẳn chung cư chỉ tổ chức sử dụng ma tuý, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cũng cho hay, lịch sử phát triển ma tuý diễn ra liên tục: "Ngày xưa, sử dụng thuốc phiện phải dùng bàn đèn, để tổ chức hút được rất phức tạp; sau đó, đến giai đoạn tiêm chích qua đường máu thì đi các ngõ ngách, công viên thấy rất nhiều kim tiêm bị vứt bỏ. Nhưng ma tuý bây giờ có thể ăn, uống, ngửi, hít, chỗ nào cũng có thể sử dụng được. Cùng với sự phát triển của công nghệ đã rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm chi phí, tiếp cận nhanh. Ma tuý huỷ hoại mặt tinh thần, thể xác, sức lao động, làm băng hoại cả quốc gia, dân tộc... Có giai đoạn, các thế lực sử dụng ma tuý để nô dịch các quốc gia. Từ ma tuý sinh ra nhiều thứ khác".

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội.

"Chúng tôi còn gọi đây là tội phạm nguồn, từ ma tuý sinh ra cướp, giết, trộm cắp, lừa đảo. 40% đối tượng nghiện ma tuý là không nghề nghiệp, hoặc không có nghề nghiệp ổn định, không có thu nhập, để có ma tuý phải phạm tội trộm cắp, cướp, giết, thậm chí đến mực độ "ngáo" thì anh giết em, con giết bố, mẹ, vợ giết chồng... Có hiện tượng các đối tượng chính trị sử dụng người nghiện ma tuý gây bạo loạn... Cho nên, hiểm hoạ ma tuý là khôn lường. Việc phòng, chống ma tuý là cần thiết" - Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung khẳng định, phòng, chống ma tuý là trách nhiệm cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của toàn dân. Liên quan "3 giảm": "giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại", hiện Bộ Công an đang chỉ đạo "giảm cầu". Không có "cầu" thì sẽ giảm "cung", lấy người nghiện làm trung tâm. Phòng ở đây là không để tăng số người nghiện và phải giảm số người nghiện. Chúng ta thường nói, có "cung" là có "cầu", nhưng buôn bán ma tuý lợi nhuận rất lớn, đến mức có người nói, nếu lợi nhuận 300% thì "có bảo treo cổ các đối tượng cũng treo". Có những nơi, nếu người dân không có tiền thì việc đầu tiên họ nghĩ là vận chuyển ma tuý. "Do lợi nhuận như thế nên các đối tượng không bao giờ từ bỏ mà còn tạo ra "cầu", bằng cách rủ rê lôi kéo, chiêu đãi, cho sử dụng trước qua nhiều đường...", ông dẫn chứng.

Dự báo tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, trước đây mua bán theo cân, theo lạng, theo chỉ, thì nay theo tấn, theo tạ; trước đây, đi theo đường bộ thì giờ cả đường biển, đường sông, đường hàng không; trước đây phải gặp nhau giao dịch, mua bán, thì giờ mua bán không cần gặp mà qua mạng, có nhiều loại ma tuý mới..., ĐBQH Nguyễn Hải Trung hoàn toàn đồng tình với chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phòng, chống ma tuý đến năm 2030; khẳng định, trong đây đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đổi mới trong phân công, phân cấp, phân quyền mà để giải quyết triệt để trong thời gian ngắn rất khó, nên cần phải kiên trì, kiên định, mong các ĐBQH đồng tình, ủng hộ việc ban hành Chương trình này.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai thảo luận tại tổ.

Đầu tư đồng bộ giúp kiềm chế sự gia tăng của người nghiện

Ở góc độ nguồn lực, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) hoàn toàn tán thành sự cần thiết đầu tư nguồn lực thực hiện Chương trình này để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và các cam kết quốc tế; đồng thời, đây là Chương trình có ý nghĩa với từng người, từng nhà, toàn thể xã hội, đảm bảo được cuộc sống bình yên hôm nay và mai sau...

"So sánh với các Chương tình MTQG khác thì đây là Chương trình có ý nghĩa thực tiễn cao. Về kinh phí và nguồn lực thực hiện hơn 22.450 tỷ đồng, nếu so mặt bằng chung thì tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là khả thi, hợp lý và khiêm nhường, trong khi đó có những chương trình đề xuất mức quá cao, quá bất hợp lý. Đây là mức khả thi, khiêm tốn trong bối cảnh chúng ta thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", đại biểu nhận xét.

Đối với nhận định của Báo cáo thẩm tra về vốn Chương trình tương đối thấp, có ý kiến đề xuất tăng thêm, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nên giữ như Tờ trình của Chính phủ, bởi khi đề xuất con số đó thì Chính phủ và Bộ Công an đã có căn cứ, tính toán nhiều yếu tố. "Nhưng nếu tăng thêm thì phải làm rõ căn cứ, đầu tư cho mục tiêu nào, có khả thi hay không, chứ không chỉ nói chung chung. Mặt khác, giai đoạn 2026 - 2030 một loạt dự án quan trọng quốc gia được đưa vào chương trình, như đường sắt  cao tốc với số vốn khổng lồ, Chương trình MTQG phát triển văn hoá... Trong bối cảnh ngân sách có hạn, chúng ta không thể "dàn hàng ngang", mà cần thứ tự ưu tiên", đại biểu phân tích và đề xuất Chính phủ cần rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới để có trật tự ưu tiên, "liệu cơm gắp mắm" trong bối cảnh ngân sách hạn chế, song cũng đảm bảo tính khả thi của nguồn lực.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận thảo luận tại tổ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cũng thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về Chương trình MTQG phòng, chống ma tuý đến năm 2030 và cho biết, hiện nay tình hình tệ nạn ma tuý diễn biến phức tạp, tính đến ngày 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý và người bị quản lý sau cai nghiện (chiếm 0,23% dân số cả nước).

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma tuý (97 cơ sở công lập và 13 cơ sở do tổ chức, cá nhân thành lập), nhưng tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Nhiều cơ sở được xây từ lâu hoặc tiếp nhận từ các cơ sở khác nên không phù hợp việc tổ chức cai nghiện ma tuý, nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, khoảng 50% không đủ điều kiện, trang thiết bị tối thiểu...

Do đó, đại biểu cho rằng, chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phòng, chống ma tuý với sự đầu tư đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực "giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại" là phù hợp, sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu kiềm chế sự gia tăng của người nghiện, đặc biệt là nhóm chỉ tiêu về bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện: "Đến năm 2028, có 2.000 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma tuý được hỗ trợ đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị đủ điều kiện theo quy định để tiếp nhận và tư vấn cai nghiện; phấn đấu trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma tuý bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đủ điều kiện theo quy định"...

Quỳnh Vinh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文