Đại học Quốc gia Hà Nội xứng đáng vai trò nòng cốt, đầu tàu trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

14:34 14/04/2023

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phải thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, góp phần thực hiện khát vọng phát triển và lan tỏa khát vọng vươn lên tới hệ thống các cơ sở giáo dục đại học; tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Sáng 14/4, tại Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với ĐHQGHN.

Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và Hà Nội; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (DN).

Về phía ĐHQGHN có GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cùng Ban giám đốc ĐHQGHN; các nhà giáo, nhà khoa học và các em học sinh sinh viên…

Xây dựng một trung tâm vi mạch dùng chung cho cả nền công nghiệp Việt Nam

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, ĐHQGHN có 4 trường THPT và 1 trường THCS, đây là cái nôi để đào tạo bồi dưỡng nhân tài cấp THPT, cung cấp nhân tài cho các bậc học sau này. Riêng thành tích của khối THPT của ĐHQGHN trong năm vừa qua chiếm 70% số huy chương vàng quốc tế của Việt Nam. Thi học sinh giỏi quốc gia, đoàn của ĐHQGHN được 13 giải nhất. Như vậy dù mức đầu tư rất nhỏ, nhưng ĐHQGHN có nhiều học sinh phổ thông xuất sắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trò chuyện, thăm hỏi các em sinh viên.

Về cơ cấu tổ chức bậc đại học, ĐHQGHN có 14 đơn vị đào tạo với quy mô khoảng 60.000 sinh viên/năm. Cho đến nay, các đơn vị đào tạo phát triển theo hướng đào tạo toàn bằng tiếng Anh, mở rộng đào tạo các lĩnh vực, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 Trong năm 2021, ĐHQGHN đã ban hành nghị quyết mới để chuyển hướng, bổ sung đào tạo các lĩnh vực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và từ đó đến nay, ĐHQGHN xác định có 12 ngành công nghiệp sáng tạo và 12 ngành công nghiệp mới.

Trong 2 năm qua, ĐHQGHN mở thêm được 6 ngành mới. ĐHQGHN kí kết hợp tác với hầu hết các DN lớn như LG, Samsung, Viettel, VNPT. ĐHQGHN cũng đẩy mạnh lĩnh vực đào tạo về sức khỏe, y dược. Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý đưa Bệnh viện Xây dựng về ĐHQGHN, như vậy Trường ĐH Y Dược của ĐHQGHN sau rất nhiều năm đã có bệnh viện. Nhờ đó, ĐHQGHN đã thu hút được 150 GS, PGS, TS về lĩnh vực kĩ thuật công nghệ và y dược…

Về khoa học công nghệ (KHCN), ĐHQGHN tiếp tục triển khai Chương trình Tây Bắc tại 12 tỉnh Tây Bắc, phát triển kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng. Trong năm 2021, ĐHQGHN đã ban hành chiến lược về KHCN để hướng tới 28 tỉnh ven biển, vùng kinh tế duyên hải. Chương trình này thu hút hợp tác công tư, các DN và các địa phương khi đầu tư các dự án lớn đã đặt hàng ĐHQGHN nghiên cứu các vấn đề lớn như đánh giá tác động của môi trường. Trong năm 2022, ĐHQGHN lần đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của rất nhiều DN và hiệp hội, trong đó có 4 lĩnh vực ĐHQGHN được ưu tiên để phối hợp với DN gồm: công nghệ; y sinh; nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ độc đáo của ĐHQGHN.

“ĐHQGHN hiện không còn hiện tượng chảy máu chất xám nữa. Cúng tôi ban hành rất nhiều nghị quyết, ví như ban hành thí điểm chương trình tiến sĩ trẻ về công tác tại ĐHQGHN trong 5 năm đầu, đảm bảo thu nhập tối thiểu 15 triệu/tháng; hay 1 tiến sĩ về công tác tại ĐHQGHN thì 1 năm được đầu tư một mức thỏa đáng để nghiên cứu”, GS Lê Quân cho hay.

“Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện rất nhiều cho ĐHQGHN nên hôm nay chúng tôi chỉ kiến nghị một nội dung, mong muốn Thủ tướng chỉ đạo để giúp ĐHQGHN xây dựng một trung tâm liên quan đến vi mạch, đặt tại ĐHQGHN nhưng dùng chung cho cả nền công nghiệp Việt Nam. ĐHQGHN hiện đã có “đất sạch”, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục ưu tiên cho ĐHQGHN, chỉ cần có kinh phí là trong 1 năm, ĐHQGHN có thể xây xong để đáp ứng nhu cầu của một đô thị đại học quy mô 60.000 sinh viên. Cái khó khăn nhất, ngày xưa nghĩ Hòa Lạc là xa xôi, nhưng giờ đã xóa tan được ý nghĩ đó, phụ huynh học sinh đã lên đây, thích nơi này. Hôm nay, Thủ tướng tặng ĐHQGHN 5.000 cây xanh, cán bộ, học sinh sinh viên sẽ trồng. Đây sẽ là đô thị đại học xanh, sạch, đẹp và thông minh, đô thị đổi mới sáng tạo”, GS Lê Quân bày tỏ.

Thủ tướng thăm giờ học văn hóa quốc tế có sinh viên nước ngoài theo học tại ĐHQGHN.

Ba trụ cột chính và ba đột phá chiến lược

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương thành tích, chúc mừng ĐHQGHN - trường đại học đầu tiên được thành lập từ Trường Đại học Đông Dương, có bề dày lịch sử 117 năm. Trong quá trình thăng trầm của lịch sử, ĐHQGHN luôn gắn với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trước đây với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. “Đây là khẳng định của Đảng, Nhà nước. Các lớp cha anh đi trước đã xây dựng, làm nên thương hiệu của ĐHQGHN như ngày nay. Tôi mong các thế hệ bây giờ phát huy tối đa truyền thống lịch sử này”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, ĐHQGHN có bề dày lịch sử như vậy, nhưng trước đây địa điểm rải rác, chia cắt, manh mún, nhưng trong điều kiện như vậy, ĐHQGHN vẫn quan tâm nghiên cứu, đào tạo, nâng cao chất lượng, đào tạo ra thế hệ những con người đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chất lượng đào tạo luôn đặt lên hàng đầu, luôn vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu cao nhất. Nay ĐHQGHN đã chuyển đến Hòa Lạc với 1.000 hecta, đây là quyết tâm lớn của Chính phủ. Chính phủ cũng rất quyết tâm chuyển khu vực này về cho TP Hà Nội quản lí và giao Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lí nhà nước các khu công nghệ cao, tiếp tục hình thành các khu công nghệ cao trên cả nước, gắn với đào tạo.

Thủ tướng phát biểu tại buổi thăm, làm việc tại ĐHQGHN.

“Hôm nay lên đây, tôi rất ấn tượng với các em học sinh, sinh viên phấn khởi, khỏe mạnh, vui tươi, học hành rất nghiêm túc, vừa học, vừa rèn luyện thể chất, giao lưu văn hóa. Một không khí “rất đại học”, tươi trẻ, thể hiện sự dồi dào của đất nước ta về nguồn nhân lực”, Thủ tướng bày tỏ.

Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi thăm triển lãm về công nghệ chip bán dẫn, mặc dù còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết để nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất chip.

Theo Thủ tướng, chúng ta xây dựng đất nước với 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ XHCN để phát huy đại đoàn kết dân tộc, phát huy trí tuệ của tập thể, kết hợp sức mạnh của dân tộc, sức mạnh thời đại, sức mạnh của bên trong và bên ngoài, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, mọi chính sách phải hướng tới người dân; xây dựng phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN tuân thủ quy luật khách quan.

Xuyên suốt 3 trụ cột này là con người – con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Để có “con người” như vậy, không thể thiếu được đào tạo. Đào tạo xuyên suốt, liên tục, toàn diện, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến yếu tố con người.

Cũng theo Thủ tướng, chúng ta đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, đó là đột phá về nguồn nhân lực, đột phá về thể chế và đột phá về hạ tầng.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo ĐHQGHN chụp ảnh với các em học sinh, sinh viên tham gia Câu lạc bộ nghệ thuật.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện các trụ cột phát triển, đối ngoại và hội nhập đều liên quan mật thiết, tác động sâu sắc tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta vừa kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia", vừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu các thành tựu, đi theo các xu thế mới của thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại.

Thủ tướng lưu ý cần quan tâm đào tạo nhân lực trong cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản, quản lý và ứng dụng, nhất là các ngành mũi nhọn, các xu thế phát triển mới để có thể "đi sau, về trước" như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Lan tỏa khát vọng vươn lên tới hệ thống các cơ sở giáo dục đại học

Thủ tướng đề nghị, với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, ĐHQGHN cần tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:

ĐHQGHN phát huy bề dày lịch sử và những thành tựu đạt được, kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình, cách làm hiệu quả; tiếp tục xây dựng và củng cố tập thể đoàn kết, vững mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng ĐHQGHN thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.  

Phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững.

ĐHQGHN cần gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, đặc biệt là góp phần phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học, tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm để ĐHQGHN xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng quy mô đào tạo 60.000 sinh viên.

ĐHQGHN bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng đại học số, đại học thông minh. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

ĐHQGHN phải thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đồng hành, góp phần thực hiện khát vọng phát triển và lan tỏa khát vọng vươn lên tới hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp tục phát huy, nhân rộng các hình thức tuyển sinh phù hợp, hiệu quả, trong đó có hình thức đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông. Có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, góp phần đào tạo nhân lực cho miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng yêu cầu ĐHQGHN đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các DN trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này.

ĐHQGHN tăng cường hợp tác công tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hình thành một khu đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình “5 trong 1”.

Với các sinh viên, Thủ tướng nêu rõ, các em tự hào được học tập tại ngôi trường có bề dày lịch sử. Là những thanh niên thông minh, năng động, mỗi sinh viên cần nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, lý tưởng, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để cùng với bạn bè, đồng nghiệp phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

Thủ tướng đề nghị các sinh viên ĐHQGHN và sinh viên trên cả nước phải luôn chăm chỉ, cần cù, có ý thức học hỏi, tu dưỡng đạo đức, trau dồi, nắm chắc kiến thức, thành thạo chuyên môn, cập nhật thông tin để học giỏi, nghĩ thông, làm tốt, luôn có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thực sự trở thành những công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng tặng cây xanh cho các em học sinh, sinh viên với kỳ vọng ĐHQGHN sẽ trở thành một đô thị đại học xanh, sạch, đẹp.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ĐHQGHN sẽ quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, thế hệ đi sau kế thừa, phát huy làm tốt hơn thế hệ đi trước, phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò nòng cốt, đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thu Phương

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trong  2 ngày (15, 16/11), Đoàn công tác Công đoàn Báo CAND đã có chuyến công tác xã hội từ thiện ý nghĩa tại tỉnh Hòa Bình. Đoàn đã đến thăm, động viên, trao quà tặng thày, trò Trường tiểu học và trung học cơ sở Ngòi Hoa, thuộc xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc - một trong những ngôi trường thuộcc địa bàn miền núi khó khăn của tỉnh Hòa Bình.

Ngày 17/11, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Công Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như (phường 2, TP Bảo Lộc), để điều tra về hành vi trốn thuế.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Tiếp tục quá trình điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu, nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Bình, trong 2 ngày 15 và 16/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố 11 bị can có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文