Đảm bảo ngư dân bám biển, giữ vững quốc phòng an ninh khi phát triển Khánh Hoà
Ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các “cột mốc sống” trên biển, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 10/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong phiên thảo luận, vấn đề các đại biểu quan tâm là bảo đảm an ninh – quốc phòng.
Ngư dân trên biển là “cột mốc sống” bảo đảm an ninh – quốc phòng
Phát biểu về dự thảo Nghị quyết đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) cho biết, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các “cột mốc sống” trên biển, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.
Theo đại biểu, khuyến khích vươn khơi trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phức tạp về an ninh, quốc phòng lại càng khó hơn. Nghề vươn khơi đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, rủi ro cao cả về thiên tai và nhân tai. Vì vậy, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi thực tiễn và đủ hấp dẫn nhà đầu tư. "Do đó, tôi đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước biển và áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp không % trong suốt vòng đời dự án nhưng tối đa không quá 30 năm cho cả khu vực, từ 3 hải lý trở ra” – đại biểu kiến nghị.
Cũng quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh – quốc phòng, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu quan điểm việc nuôi trồng thủy sản trên biển, Khánh Hòa là một trong ba tỉnh, cùng với Kiên Giang, Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi biển ở Việt Nam và nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng biển đã và đang được phát triển tại đây nhưng chủ yếu là nuôi trồng gần bờ chưa ra xa. Còn xu hướng của thế giới đang chuyển từ nuôi trồng quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sang quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển từ vùng nước ven biển, ven bờ ra biển, xa bờ và tiến dần ra đại dương. Đặc biệt, biển Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quốc phòng, an ninh. Ban hành chính sách này giúp người dân chuyển đổi phương thức, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, đồng thời kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và huyện đảo Trường Sa, góp phần thực hiện quan điểm Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là gắn phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích đất rừng
Bày tỏ quan điểm đồng tình sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng nếu có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội thì rất khó đến năm 2030 là trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết chính của Bộ Chính trị.
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Bộ, ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, phòng, an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển mục đích.
Bên cạnh đó, việc cho phép huyện, thị, thành phố của tỉnh sử dụng ngân sách của mình để quản lý, hỗ trợ huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh là cần thiết vì đây là hai huyện nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này sẽ giúp 2 huyện theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội và các lĩnh vực an sinh xã hội khác của các huyện trong thành phố của tỉnh.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong đã trở thành động lực phát triển của các tỉnh Nam Trung Bộ, Cam Lâm trở thành khu đô thị, sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đại biểu thống nhất theo Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra là phải có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, theo tờ trình, thời gian chuyển nhượng dự án như trong dự thảo là ngắn, có thể dẫn đến lợi dụng chính sách đầu tư, không thực hiện dự án theo phê duyệt, mà chờ đợi nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, hưởng chênh lệch…