Đào tạo báo chí, truyền thông phải đổi mới để phù hợp với “kỷ nguyên số”

07:43 17/12/2021

Ngày 16/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”. Diễn đàn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại điểm cầu Bộ TT&TT với hơn 150 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại diễn đàn, lãnh đạo nhiều cơ sở đào tạo báo chí đã chia sẻ về những đổi mới trong đào tạo báo chí hiện nay để đáp ứng với yêu cầu thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Những năm gần đây, đơn vị đã đổi mới phương pháp đào tạo báo chí gắn với thực tiễn hoạt động báo chí như đưa xu hướng báo chí thế giới và Việt Nam vào trong từng bài giảng; gắn lý thuyết với thực hành để hoạt động này được diễn ra trong toàn bộ 4 năm học, chứ không phải đợi đến năm thứ 3-4 mới đi kiến tập, thực tập. Nhà trường cũng tổ chức nhiều giải báo chí nhằm tạo sân chơi cho sinh viên, xây dựng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí để sinh viên có cơ hội được học hỏi, làm quen với phương pháp làm báo hiện đại….

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân cho rằng: Trong thời đại bùng nổ thông tin, tác nghiệp trong cơ chế thị trường với nhiều sức ép, nền tảng quan trọng đối với các nhà báo là cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Nhà báo trong kỷ nguyên số cần phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình; nhạy bén và thành thạo kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng thu thập, khai thác, xử lý, kiểm chứng thông tin; phóng viên không chỉ thuần tuý đưa tin tức mà còn bình luận, phân tích, dự báo và đề xuất nhiều giải pháp, thể hiện quan điểm riêng và cung cấp cơ sở giúp bạn đọc có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề mình thông tin.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”.

Nhà báo Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng khẳng định: Khác với báo chí truyền thống, trong kỷ nguyên số, cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi rất nhiều. Do đó, báo chí phải đổi mới tư duy làm báo, đổi mới công nghệ, đổi mới thói quen tác nghiệp. Điều này đòi hỏi đào tạo báo chí truyền thông cũng phải thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, công tác đào tạo báo chí cần cung cấp cho người học những phẩm chất căn bản, gói gọn trong 3 chữ “K” là “Kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ”. Còn theo nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet, trong bối cảnh báo chí phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nền tảng xuyên biên giới, người làm báo phải tự đổi mới mình bằng cách nắm bắt công nghệ mới, có nhiều kỹ năng hơn. Điều này đòi hỏi việc đào tạo báo chí cũng phải thay đổi để thích ứng.

Chia sẻ tại diễn đàn, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới. Ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất mà các cơ sở đào tạo cần phải đặt ra, đó là phải tìm ra được giá trị bất biến, cốt lõi của đào tạo báo chí. “Cá nhân tôi cho rằng, với nghề báo, với người làm báo, điều quan trọng nhất vẫn là nuôi dưỡng cảm xúc để duy trì đam mê với nghề. Có đam mê thì mới dám dấn thân, mới biết hướng đến các giá trị chân thiện mỹ và không dễ bị sa ngã”, ông Đặng Xuân Phương chia sẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn khẳng định: Sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như thách thức và đang làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có báo chí, truyền thông. Thực tế, nguồn lực báo chí truyền thông hiện nay hầu hết chủ yếu được đào tạo theo hình thức truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông cần đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của kỷ nguyên số.

Huyền Thanh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文