Đào tạo nhân lực bán dẫn là đột phá của đột phá về đào tạo nguồn nhân lực

19:09 24/04/2024

Chiều 24/4, kết luận Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải coi phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá về đào tạo nguồn nhân lực và cần đầu tư cho xứng tầm đột phá này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ sở đào tạo, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế đón nhận chuyển dịch ngành công nghiệp bán dẫn

Hội nghị nhận định, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn như: quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn trong thời gian ngắn, các đại biểu cho rằng nên tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo; đội ngũ giảng viên; nhân lực công nghệ thông tin, điện tử... để đào tạo bổ sung về công nghệ bán dẫn; đồng thời, hình thành các trung tâm, khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn; phát triển các ngành phụ trợ công nghiệp bán dẫn; các nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp... nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Các đại biểu cho rằng, với sự quyết tâm cao, Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế và khả thi của các đại biểu; nhấn mạnh, phát triển công nghiệp bán dẫn là lựa chọn chiến lược của đất nước.

Theo Thủ tướng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần 5 trụ cột, trong đó có trụ cột về nguồn nhân lực. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đang được triển khai có hiệu quả.

Trong đó, Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã yêu cầu "Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên. Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; xây dựng Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển ngành bán dẫn; nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này, có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, hiện nay, nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

“Đây là tiền đề quan trọng, cơ hội thuận lợi cho Việt Nam nắm bắt, tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn thông qua phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao, để gặt hái những lợi ích từ ngành công nghiệp bán dẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phấn đấu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn

Chỉ rõ một số khó khăn, thách thức về nhận thức, nguồn nhân lực, tài chính, chính sách bảo hộ, khả năng cạnh tranh và an ninh quốc gia..., để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải coi phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá về đào tạo nguồn nhân lực và cần đầu tư cho xứng tầm đột phá này; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư cho phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn; đầu tư cho hạ tầng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn; đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên và giáo trình phù hợp; có phương thức phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn tiệm cận và đột phá cả trước mắt và lâu dài.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 5/2024; phối hợp với các địa phương có đầu tư nước ngoài về ngành bán dẫn vận động tài trợ quốc tế xây dựng các phòng Lab tại một số thành phố hoặc trường đại học; xây dựng các mô hình thành phố bán dẫn, khu công nghiệp bán dẫn; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, kết nối hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam với toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các nội dung thuộc Đề án đảm bảo bám sát mục tiêu của Chiến lược.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu triển khai các nội dung thuộc Đề án đảm bảo bám sát mục tiêu của Chiến lược.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo 30.000 sinh viên đại học phục vụ ngành chip bán dẫn trong giai đoạn 5 năm; xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi cho các đối tượng tốt nghiệp các ngành gần, liên quan đến công nghiệp bán dẫn; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tổ chức đào tạo nâng cao/liên thông cho các kỹ sư hệ cao đẳng trong các ngành liên quan lên kỹ sư hệ đại học thuộc ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp lĩnh vực chip bán dẫn; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn; phê duyệt danh mục và cân đối kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước triển khai Đề án một cách nhanh chóng, thuận lợi; rà soát, đánh giá tổng thể các luật về thuế để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế nhằm khuyến khích, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Các đại biểu tham dự hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành bán dẫn của địa phương để hỗ trợ công tác đào tạo cụ thể; phối hợp xây dựng các mô hình thành phố bán dẫn, khu công nghiệp bán dẫn.

Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch theo lộ trình 5 năm, ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp triển khai đào tạo theo mục tiêu đề ra; hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tích cực tham gia xây dựng thị trường nhân lực bán dẫn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở đào tạo về nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng Nhà nước để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

Thủ tướng tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế và bằng những hành động cụ thể, bài bản, khoa học, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đào tạo 550.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.

Theo TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文