Đấu giá biển số góp phần phục vụ an sinh xã hội
Nhiều người dân đồng tình với dự thảo Nghị định đấu giá biển số phương tiện được Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Quốc hội thông qua. Việc đấu giá không chỉ đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của đại đa số người dân mà quan trọng hơn là phát huy được nguồn lực để phục vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội, đời sống của người dân.
Bộ Công an vừa chủ trì hoàn thành dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để trình Quốc hội. Đa số dư luận đồng tình ủng hộ việc cần thiết trong đấu giá biển số bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tránh lãng phí nguồn tài nguyên được xem là vô tận đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực đó vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Câu chuyện đấu giá biển số ô tô không phải đến thời điểm này mới được đưa ra bàn thảo. Trước đó, từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc đấu giá biển số phương tiện đã được Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức nghiên cứu, cấp, thu lệ phí. Trên thực tế, đã có nhiều người dân ở thời điểm đó đấu giá thành công và số tiền trong những cuộc đấu giá biển số này được nộp vào ngân sách Nhà nước, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.
Đề cập đến dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ô tô, anh Hoàng Quốc Hùng ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Tôi rất ủng hộ việc đấu giá biển số phương tiện ô tô. Lâu nay chúng ta đang bỏ phí một nguồn tài nguyên được xem là “vô tận”. Khác với những nguồn tài nguyên không thể tái sinh như đất đai, dầu mỏ, khí đốt, biển số phương tiện là do con người làm ra, dễ thay đổi theo tình hình thực tế.
Trước đây, biển số chỉ có 4 số và do tốc độ phát triển của phương tiện được “nâng” lên thành 5 số như hiện nay. Cho tới thời điểm nào đó khi kho biển 5 số sử dụng hết, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nâng lên thành biển 6 chữ số hoặc một hình thức khác.
Chính vì vậy, nếu chỉ để biển số đăng ký ngẫu nhiên như hiện tại trong khi nhu cầu về biển theo yêu cầu của người dân là có thật, nếu không đấu giá sẽ trở lên lãng phí một nguồn lực lớn. Khi chúng ta tổ chức tốt việc đấu giá biển số, những nguồn lực thu được nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ được sử dụng quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác an sinh, xã hội, giáo dục, y tế…
Đồng tình quan điểm này của anh Hoàng Quốc Hùng, anh Trần Quang Phát, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết, việc cơ quan chức năng xác định biển số ô tô là một loại tài sản là rất đúng, đây là mấu chốt cho việc tổ chức đấu giá. Tại dự thảo Nghị quyết về đấu giá biển số cũng đã xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của những bên có liên quan trong công tác đấu giá biển số.
Cũng theo anh Trần Quang Phát, nếu như những nguồn tài nguyên, tài sản khác khi chúng ta sử dụng nó không thể tái tạo lại hoặc thời gian tái tạo rất lâu như đất đai, dầu mỏ, thì biển số lại là nguồn tài nguyên khá phong phú và dồi dào. Việc đáp ứng nhu cầu của người dân về biển theo sở thích, yêu cầu không chỉ phù hợp với quy luật phát triển, vận hành của xã hội, mà qua đó còn tăng tính công khai, minh bạch đối với hoạt động đăng ký biển số.
“Chúng ta không sợ việc đấu giá là không công bằng với tất cả mọi người, bởi nguyên tắc của đấu giá là đã có sự công bằng khi xác định rõ điều kiện và mở rộng tất cả người dân có thể sở hữu tài sản đó. Điều quan trọng nhất là chúng ta đang tận dụng được một nguồn tài nguyên phong phú.”- anh Trần Quang Phát nêu quan điểm.
Nhìn nhận dưới góc độ an sinh xã hội, anh Nhất Nam, ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đánh giá, kinh tế đất nước chúng ta đang phát triển từng ngày nhưng ở nhiều nơi nhất là vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con nhân dân vẫn còn nghèo, thiếu thốn. Mối quan tâm của những người dân nghèo có lẽ không phải là biển số phương tiện mình đẹp hay xấu mà hũ gạo trong gia đình vơi hay đầy. Chúng ta phải nhìn ở nhiều khía cạnh, nhất là ở góc độ của những người nghèo, để thấy rằng nguồn lực thu được từ việc đấu giá biển số quay ngược trở lại phục vụ cho chính những người dân nghèo, góp phần thêm cho công tác đảm bảo an sinh xã hội mới đáng quý, không bị lãng phí.