Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lĩnh vực đất đai, tài nguyên, chứng khoán...

08:26 06/04/2022

Sáng 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình, giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Dự tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong quý I năm 2022, các bộ, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết 01, 02, Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, thực hiện kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới…

Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ tăng cường công tác thực tế tại cơ sở, thăm, khảo sát, làm việc nhằm gỡ những nút thắt quan trọng, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội đang phục hồi tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương có các ý kiến tham luận, tập trung vào các bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia trên địa bàn; các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tham luận và giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, các đại biểu thảo luận việc triển khai các công trình giao thông quan trọng gồm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; 3 dự án đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trong đó có các vấn đề về giải phóng mặt bằng, giải quyết khó khăn về nguồn và giá vật liệu xây dựng.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu ý kiến cho rằng, quý II năm 2022, chúng ta bước vào giai đoạn bình thường hóa nên sẽ có bước chuyển về trọng tâm trong thực hiện các nhiệm vụ. Theo đó, cùng với phòng, chống dịch, cả nước đẩy mạnh các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó thúc đẩy phát triển du lịch, đưa học sinh trở lại trường học, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Trước khi kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị nạn do thiên tai; chia sẻ với các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ bất thường gây ra trong thời gian vừa qua.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, quý I năm 2022, tình hình quốc tế có những diễn biến mới như: xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao tại một số nước, giá nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới tăng, giá dịch vụ logistics tăng... đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong nước cũng bộc lộ những khó khăn nội tại; các vấn đề tồn đọng nhiều năm cần giải quyết và phát sinh nhiều vấn đề mới như các vi phạm liên quan thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề môi trường, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp; sự ủng hộ, vào cuộc, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các chỉ số về ca chuyển nặng và tử vong đều giảm sâu. Kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và tăng trưởng khá, nhiều địa phương có mức tăng trưởng trên dưới 10%. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong vòng kiểm soát, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình trong thời gian tới vẫn còn những tồn tại, khó khăn, rủi ro: Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; áp lực về lạm phát tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm; nợ xấu có nguy cơ tăng. Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; nhà ở của lao động tại một số nơi chưa giải quyết tốt. Thiên tai vẫn tiềm ẩn bất thường… Cùng với đó, một số thị trường lớn của Việt Nam đang có những diễn biến mới, ảnh hưởng tới quá trình hợp tác, phát triển với nước ta.

Theo Thủ tướng, từ thực tiễn thời gian qua, một số bài học rút ra cần ghi nhận. Đó là: Các địa phương phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Các địa phương phát huy được tính tự chủ, tự lực, tự cường để xử lý các vấn đề và thúc đẩy phát triển. Các cấp lãnh đạo chính quyền chủ động, tích cực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, chứng khoán…

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, trong quý II năm 2022 và thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn cả do tình hình thế giới tác động, khó khăn nội tại và có thể có những khó khăn chưa dự báo được. Do đó, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa; lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, điều hành; làm việc gì, dứt điểm việc đó; tăng cường tính tự lực, tự cường hơn nữa… thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tiếp tục thực hiện thật tốt các nghị quyết Trung ương, nhất là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; Chương trình phòng, chống COVID-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo.

Cùng với đó, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thúc đẩy thị trường trong nước. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường thanh tra, giám sát, điều tra, nắm tình hình liên quan đến bất động sản, trái phiếu, môi trường, chứng khoán, xăng dầu. Cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tại COP 26. Coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trước mắt, nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai để giảm thiệt hại. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi kinh tế, nhất là du lịch. Tổ chức các hình thức dạy - học phù hợp, an toàn. Thúc đẩy tiêm vaccine theo kế hoạch, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đảm bảo cung, cầu lao động. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Rà soát cơ chế, pháp luật, phát hiện các lỗ hổng để điều chỉnh; xử lý nghiêm các sai phạm. Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường thông tin, truyền thông tạo đồng thuận xã hội và đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc trên các nền tảng. Tăng cường thông tin hướng dẫn, trao đổi, tọa đàm về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế…

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tập trung chỉ đạo, thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho người dân di dời có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn nơi ở cũ. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, khai thác mỏ nguyên vật liệu. Xem xét, xử lý kịp thời, phù hợp về giá nguyên vật liệu xây dựng. Chủ động lập các dự án liên quan đất rừng, đất lúa. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, với tầm nhìn dài hơi, có tính chiến lược, tư duy đột phá.

Về các đề xuất của các địa phương, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp để các bộ, ngành liên quan xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền trình Chính phủ xử lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, trong quý II năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước sẽ có khí thế mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Phạm Tiếp

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文