Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp

18:31 21/12/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu trên trong phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, được Chính phủ tổ chức chiều 21/12, với phương châm tất cả vì người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Dưới sự điều hành của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu về tình hình triển khai thực hiện Đề án 06. Cùng với đó, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được lãnh đạo các bộ, đơn vị, địa phương đề xuất với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.   

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định vai trò thường trực, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Tổ Công tác triển khai Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở bám sát ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhấn mạnh những kết quả của Bộ Công an, các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá việc Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tham mưu với Chính phủ, Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.

Về những định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất, nhấn mạnh 3 nội dung. Cụ thể, cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác số hoá các giấy tờ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân gắn với điều chỉnh các quy trình nghiệp vụ để ứng dụng dữ liệu điện tử, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề trọng tâm, cấp bách để phục vụ xã hội, bảo đảm ANTT, an sinh xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.

Thủ tướng nhấn mạnh sự quyết liệt trong triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp để khẩn trương hoàn thành xác thực tài khoản ngân hàng với dữ liệu dân cư, định danh điện tử; triển khai các giải pháp cho vay tín chấp tiêu dùng dựa trên dữ liệu dân cư để hạn chế “tín dụng đen”. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm triển khai chi trả các chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp sớm hoàn thành xác thực thuê bao di động, loại bỏ các SIM rác; đồng thời, triển khai giải pháp định danh tài khoản trên không gian mạng. Làm tốt vấn đề này, chúng ta sẽ góp phần làm giảm tội phạm công nghệ cao, nhất là lừa đảo qua không gian mạng đang rất phức tạp hiện nay”- Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử để phục vụ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; đẩy nhanh hơn nữa việc tạo lập dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị.

Khẳng định dữ liệu như là “trái tim”, là “chìa khóa”, hạ tầng công nghệ phải được xác định là yếu tố then chốt để thực hiện thành công Đề án 06, góp phần chuyển đổi số, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá trong 2 năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực hoàn thiện hạ tầng, công nghệ và dữ liệu. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công an, các đoàn thể cũng đã tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực của mình. Trong thời gian tới, cần quyết liệt hơn nữa trong xây dựng và tạo lập dữ liệu; đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt; đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khi triển khai kết nối. Theo Bộ trưởng Tô Lâm: “Đây là vấn đề tiên quyết khi triển khai các kết nối, chưa an toàn thì dứt khoát chưa kết nối, chia sẻ”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ sở dữ liệu để có phương án sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm tập trung, an ninh, an toàn và kết nối, chia sẻ phục vụ các nhiệm vụ chung của Chính phủ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang điều hành tham luận tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả đạt được thời gian qua cho thấy việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế-xã hội của người dân, doanh nghiệp; qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, sự quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ để khắc phục thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ gợi ý chủ đề của năm 2024 là: “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Thủ tướng đề nghị nhằm bảo đảm triển khai Đề án 06 thuận lợi thì không được để “vùng lõm” về sóng và điện; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan thực hiện tốt công tác bảo đảm hạ tầng này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, phải quyết tâm cao hơn nữa, xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Đề án 06, tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Về chi trả an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND 12 địa phương (Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc) sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Về Phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý I/2024 để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc. Đối với Sổ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, hoàn thành trong tháng 1/2024.

Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành phát biểu tham luận tại hội nghị.

Về tiếp cận tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả; triển khai thí điểm tại Ngân hàng Vietcombank trước 15/1/2024. Các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 1/2024. Bộ Tư pháp đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết của Chính phủ, báo cáo trước 31/12/2023.

Thủ tướng giao UBND 15 địa phương (An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Trà Vinh) trình HĐND cùng cấp có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hoàn thành trước tháng 6/2024.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024; xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, trong đó đề ra lộ trình chi tiết để hoàn thành 9 nhóm chỉ tiêu cơ bản về giải quyết thủ tục hành chính…

Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, hoàn thành trong Quý II/2024. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các quy định liên quan; nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn mới về dữ liệu và hướng dẫn việc tổ chức tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu, hoàn thành trong Quý I/2024; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong quý I/2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hoàn thành trong quý I/2024.

Thủ tướng Chính phủ giao 9 bộ, cơ quan (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sớm cung cấp 15/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm cắt giảm giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến.

Đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID (quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế…); Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng “Tài khoản an sinh xã hội” để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID.

“Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai Đề án 06 để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai hiệu quả Đề án 06 cho năm 2024 và các năm tiếp theo”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàng Phong

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文