Đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông
Dự án luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập về chính sách an toàn giao thông đường bộ; bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm TTATGT đường bộ
Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật TTATGT đường bộ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật TTATGT đường bộ được xây dựng nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông (TNGT), tạo chuyển biến rõ nét về TTATXH.
Đồng thời, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó có hệ thống đường bộ; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ nhằm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới và các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, Quốc hội nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập về chính sách ATGT đường bộ; bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết thêm, xây dựng dự án luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập về chính sách an toàn giao thông đường bộ; bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; khắc phục hạn chế, bất cập trong chính sách về vận tải đường bộ; bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Đồng thời, khắc phục được những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; phù hợp với xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế.
“Ban hành Luật TTATGT đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng. Việc xây dựng và ban hành hai luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.
Bổ sung nhiều quy định đảm bảo ATGT đường bộ
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, dự thảo luật gồm 8 chương, 62 điều; nêu một số nội dung mới trong dự thảo luật so với dự thảo trình Quốc hội khoá XIV. “Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý về nội dung của các chương, điều, khoản, kết cấu của dự thảo luật; nhiều đại biểu quan tâm đến những quy định mới như điểm giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe ô tô... Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các bộ, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý nội dung chi tiết của dự thảo luật như: phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị nghiêm cấm, quy tắc giao thông, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết TNGT, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm TTATGT…; chỉnh lý lại kết cấu của các chương, điều chỉnh cho hợp lý và khoa học hơn” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Về các chính sách, nội dung lớn trong dự thảo luật, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải rà soát, chỉnh sửa các quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ trong Luật TTATGT đường bộ để bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ; nghiên cứu, nội luật hóa các quy định của Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ để bổ sung vào dự thảo luật cho đầy đủ. Bổ sung quy định điều chỉnh đối tượng phụ nữ mang thai tham gia giao thông vào Điều 29. Bổ sung quy định không sử dụng các loại còi trong thời gian từ 22h đến 5h tại khu vực bệnh viện vào khoản 2 Điều 20. Bổ sung quy định về điều kiện tham gia giao thông của các loại phương tiện giao thông đa tính năng; trách nhiệm của người điều khiển đối với các loại phương tiện giao thông tự hành. Bổ sung quy định về điều kiện hoạt động loại hình ô tô điện, xe máy điện, xe điện 3 bánh, 4 bánh chuyên dụng để được cấp phép, đăng ký, tạo điều kiện cho loại hình này được hoạt động…
Phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý Nhà nước
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội cho biết, Thường trực Uỷ ban QP & AN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật TTATGT đường bộ được nêu trong tờ trình của Chính phủ; dự thảo luật cơ bản bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
“Thường trực Uỷ ban QP & AN thấy rằng, hồ sơ dự án luật có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng các quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến” – Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Về bố cục của dự thảo luật, Trung tướng Lê Tấn Tới cho rằng, dự thảo luật đã kế thừa nhiều nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và bổ sung các chương về giải quyết TNGT, tuần tra kiểm soát về TTATGT đường bộ; các quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm TTATGT đường bộ là phù hợp.
Thường trực Uỷ ban QP & PAN cơ bản nhất trí về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh trong dự thảo luật này và dự thảo Luật Đường bộ để hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, không để chồng chéo, trùng lắp giữa hai luật, gây khó khăn trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện. Phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách…