Đề nghị bổ sung biện pháp giám sát điện tử đối với người chưa thành niên phạm tội
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo luật bổ sung 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Uỷ ban Tư pháp tán thành song đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử.
Chiều 6/6, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù
Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng luật này, như: thực hiện chủ trương của Đảng về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em", cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em".
Cùng với đó, thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên...
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng...
Đáng chú ý, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, dự thảo luật đã quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự. Cụ thể gồm: Bảo đảm lợi ích tốt nhất; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ; bảo đảm quyền có người đại diện; giải quyết nhanh chóng, kịp thời; ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân;
Đặc biệt là quyền bào chữa, trợ giúp pháp lý, phiên dịch; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến; bảo đảm hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; bảo đảm việc thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và thi hành án phạt tù phù hợp với người chưa thành niên; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Xét xử trong phòng xử án thân thiện, không còng tay
Dự thảo luật cũng quy định rõ 12 biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt, như: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại...
Một điểm đáng chú ý nữa tại dự thảo luật này là hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử thân thiện. Theo đó, vụ án hình sự do Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc do Thẩm phán chuyên trách xét xử; xét xử vụ án trong phòng xử án thân thiện; khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác; Thẩm phán mặc trang phục hành chính...
Về hình phạt, dự thảo luật quy định giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể. Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm. Mở rộng đối tượng người chưa thành niên có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định...
"Dự thảo luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn, bao gồm các biện pháp ngăn chặn của pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả" - Chánh án TAND tối cao nêu rõ.
Qua thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật và nhận thấy, so với quy định hiện hành, dự thảo luật đã tách bạch 2 thủ tục tố tụng cho 2 nhóm đối tượng gồm: người chưa thành niên bị buộc tội và người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng. Việc tách bạch 2 quy trình này là tiến bộ, phù hợp với 2 nhóm đối tượng có tư cách tố tụng, quyền và nghĩa vụ khác nhau.
"Bên cạnh đó, việc thu hẹp các trường hợp tạm giam và bổ sung mới biện pháp ngăn chặn (giám sát điện tử và giám sát tại nhà) trên cơ sở kế thừa một phần quy định tại Điều 418 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành là phù hợp, vừa thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, vừa góp phần tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá. Tuy nhiên, bà đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử.