Đề nghị bổ sung quy định kiểm soát việc bỏ cọc khi đấu giá

17:17 14/11/2023

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép.

Chiều 14/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo chương trình công tác, dự kiến từ chiều 14/11 đến hết ngày 16/11, UBTVQH sẽ họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 5 đã cho thấy, những việc làm này đã có những kết quả rất tốt, do đó, tại kỳ họp này, Quốc hội thống nhất với đề xuất của UBTVQH để bố trí giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội có khoảng 1 tuần để các cơ quan làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Trong buổi chiều cùng ngày, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tham dự phiên họp bảo đảm yêu cầu đề ra; đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm có văn bản thông báo kết luận các nội dung để các cơ quan có căn cứ triển khai thực hiện.

Làm rõ quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy trình bày cho biết, liên quan đến vấn đề tài nguyên viễn thông, có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy trình bày báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào quan niệm của người sử dụng, vùng, miền. Việc xác định một mức giá khởi điểm cho số thuê bao thực hiện đấu giá cũng như lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến và theo phương thức trả giá lên của Luật Đấu giá tài sản hiện hành (tương tự triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô) sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, tạo điều kiện để xác định được chính xác giá trị số thuê bao đấu giá theo cơ chế thị trường.

Theo Thường trực Ủy ban thẩm tra, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và được thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Để tăng cường kiểm soát, xử lý việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu bổ sung quy định, chế tài xử lý việc bỏ tiền đặt cọc vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đánh giá, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. "Trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi), Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc, như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép", ông nêu giải pháp.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa ý kiến của các cơ quan và của UBTVQH. Trong đó, tiếp tục rà soát để làm rõ thêm quy định tại Điều 50 về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông; về đấu giá quyền sử dụng tên miền quốc gia để quy định rõ đấu giá là theo phương thức trả giá lên, đồng thời bảo đảm việc xử lý tài nguyên viễn thông là tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành công, để bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đấu giá tài sản…

Nghiên cứu kỹ nội dung về cơ yếu

Liên quan nội dung về cơ yếu trong dự thảo luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ đề nghị tách riêng nội dung này vì có hai cách hiểu, cách hiểu thứ nhất là cơ yếu nằm trong an ninh, quốc phòng và cách hiểu thứ hai là hoạt động cơ yếu. "Vì vậy, Cơ quan soạn thảo đề nghị tách riêng để đảm bảo thống nhất", Phó Thủ tướng nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thảo luận tại phiên họp.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban KH,CN&MT nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, bởi cơ yếu không chỉ là 1 từ mà là cả một phạm trù rất lớn. "Cơ yếu thuộc về an ninh, là lĩnh vực đặc biệt thuộc về an ninh quốc gia, an ninh quốc gia toàn diện chứ không phải chỉ có quốc phòng, an ninh theo nghĩa hẹp. Không nên hiểu máy móc, cơ yếu thuộc thuộc Bộ Quốc phòng, giúp nhà nước quản lý thì đây là lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Vì vậy phải giải trình, giải thích rõ điểm này", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng thống nhất, đề nghị báo cáo giải trình cần nghiên cứu, tiếp thu nội dung về cơ yếu và giải trình rõ với đại biểu Quốc hội, đây là vấn đề mà Thường trực Uỷ ban đã có trách nhiệm, góp ý với Cơ quan soạn thảo ngay từ đầu...

Quỳnh Vinh

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文