Đề nghị làm rõ căn cứ xác định “gói phát triển văn hoá” hơn 122 nghìn tỷ
Sáng 3/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 khẳng định việc "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa".
Đồng thời, phấn đấu hoàn thành 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế", việc đầu tư xây dựng chương trình MTQG về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.
Về tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.
Cùng với đó, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%). trong đó, vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%). "Tổng nguồn vốn này là phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Chính phủ cũng nêu rõ, đối tượng, phạm vi của chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong điều kiện hiện nay. Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình MTQG để thực hiện các dự án này theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Về tổng mức đầu tư, ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng, việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. "Có ý kiến cho rằng, tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, cao hơn so với các chương trình MTQG đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của chương trình", Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục lưu ý.
Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ủy ban Văn hoá - Giáo dục đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn...