Đề xuất các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030
Báo cáo trung tâm tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam” ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất nhiều mục tiêu cụ thể. Đáng chú ý, Bộ trưởng đề xuất, đến năm 2030, các ngành CNHV sẽ đóng góp 7% GDP.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành CNVH Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đến năm 2018, 12 ngành CNVH đã đóng góp khoảng 3,61% GDP.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành CNVH và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển CNVH và còn nhiều dư địa phát triển…
Tuy nhiên, việc phát triển các ngành CNVH vẫn còn nhiều bất cập và thách thức. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH; còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng. Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này. Chưa có Chỉ số thống kê về ngành CNVH trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia… Bộ trưởng cũng đề nghị, hội nghị thảo luận, nhằm tìm ra những giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy nhanh sự phát triển của các ngành CNVH Việt Nam.
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất một số mục tiêu trọng tâm. Trong đó, đến năm 2030, phát triển các ngành CNVH Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Năm 2030, ngành điện ảnh phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD). Nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 31 triệu USD. Du lịch văn hoá đạt doanh thu chiếm 10 - 15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phấn đấu doanh thu đạt khoảng 125 triệu USD. Thủ công mỹ nghệ phấn đấu toàn ngành đạt mức kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD.
Phần mềm và các trò chơi giải trí phấn đấu doanh thu ngành CNVH phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt 50 tỷ USD đến năm 2030, trong đó doanh thu ngành trò chơi giải trí (game) đạt 1 tỷ USD. Thiết kế phấn đấu doanh thu từ thị trường thiết kế đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lãi suất kép đạt 5%. Xuất bản duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản/người/năm.
Thời trang phấn đấu thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới. Kiến trúc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc vào năm 2025; hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị vào năm 2030.
Truyền hình và phát thanh phấn đấu tăng doanh thu của dịch vụ truyền hình trả tiền lên 15 nghìn tỷ đồng vào năm 2025 (trong đó doanh thu của dịch vụ truyền hình OTT TV đạt 6 nghìn tỷ đồng); tăng thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền lên 25 triệu người dùng vào năm 2025 (trong đó thuê bao truyền hình trả tiền OTT TV đạt 12 triệu người dùng). Tỷ lệ kênh phát thanh, kênh truyền hình thiết yếu được cung cấp trên mạng internet thông qua trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng internet đạt 100% vào năm 2030.