Đề xuất chấm dứt hợp đồng 9 dự án BOT thua lỗ
Ngày 18/11, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho biết, đã có đơn kiến nghị Chính phủ xử lý tình trạng 9 dự án BOT có doanh thu giảm hoặc không được thu phí trong nhiều năm do thay đổi chính sách.
Hiệp hội đề xuất, với các dự án BOT gặp vướng do cam kết của phía Nhà nước không được thực hiện hoặc việc thu phí không thể triển khai do có sự phản đối lớn từ người dân thì Chính phủ bố trí vốn ngân sách mua lại dự án để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án.
VARSI cũng đề nghị lập một tổ chức do Bộ Giao thông Vận tải làm đầu mối, cùng các bộ ngành khác nghiên cứu, giải quyết từng dự án cụ thể và báo cáo kết quả cho Chính phủ trước ngày 30/12. Các ngành và địa phương cũng đánh giá vướng mắc của từng dự án để kiến nghị các giải pháp, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư PPP.
Hiện nay có 9 dự án BOT đang gặp vướng mắc do không được thu phí hoặc sụt giảm doanh thu, không được nhà nước hỗ trợ.
Giai đoạn 2005-2020, Bộ GTVT đã huy động khoảng 247.570 tỷ đồng để đầu tư 72 dự án hạ tầng theo hình thức BOT. Theo hợp đồng ký kết với các dự án hạ tầng, Nhà nước sẽ hỗ trợ, chia sẻ rủi ro khi dự án đạt doanh thu thấp, song qua nhiều năm, vướng mắc của các dự án trên vẫn chưa được giải quyết, ngoại trừ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Hồi tháng 10, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép mua lại 8 dự án với chi phí 13.115 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này.
9 dự án BOT đang gặp vướng mắc do không được thu phí hoặc sụt giảm doanh thu, không được nhà nước hỗ trợ
Đó là dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả; xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 qua Cần Thơ; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Đăk Lăk; cầu Thái Hà; cải tạo luồng sông Sài Gòn; cầu Việt Trì - Ba Vì; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn...