Đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt cho nguồn lực phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Việt Trường đề nghị luật quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phát triển công nghiệp QPAN; có cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo, phát triển, bố trí nguồn nhân lực có trình độ cao và huy động nhân lực bên ngoài.
Tiếp tục Toạ đàm về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, sáng 10/10, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN và Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì thảo luận về dự án Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp.
Tham dự toạ đàm có Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí trong Thường trực UBQPAN, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học...
Xây dựng tiềm lực QPAN
Phát biểu tại toạ đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh, dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng tiềm lực QPAN, phục vụ nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng định hướng xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực QPAN tại các khu vực phòng thủ.
Phó Chủ nhiệm UBQPAN đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn tham gia thảo luận, góp ý vào dự án luật, giúp Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Theo đại diện của Bộ Quốc phòng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp Bộ Công an triển khai xây dựng dự án Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp.
Việc xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và và phát triển công nghiệp QPAN; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.
Dự thảo luật gồm 7 chương và 73 điều, tập trung vào 5 chính sách nổi bật như: Công nghiệp QPAN; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; chế độ, chính sách trong công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp; hợp tác quốc tế công nghiệp QPAN; trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp.
Thu hút trí tuệ toàn dân, nhân lực trình độ cao
Thảo luận tại toạ đàm, PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhất trí cao sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới. Qua nghiên cứu dự án luật, ông tâm đắc với nhiều điểm mới, như việc khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp; nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản, làm chủ công nghệ nền, giải mã và phát triển công nghệ lõi...
"Điều này nói lên vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đều cần được huy động và trọng dụng tối đa", ông nhấn mạnh.
Một điểm mới nữa là đã luật hoá cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học công nghệ, trong đó quy định tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp QPAN được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, được miễn trách nhiệm dân sự và hình sự trong trường hợp xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
"Đây thực sự mở ra cơ hội cho các viện, trung tâm đang hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho họ quyết tâm đầu tư vào những lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt, nhiều thách thức và rủi ro, cũng là cơ chế bảo vệ những nhà khoa học", PGS.TS Hoàng Anh Sơn bổ sung.
Đánh giá cao dự án luật được chuẩn bị rất đầy đủ, sâu sắc và cần thiết được ban hành trong bối cảnh hiện nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tờ trình cần bổ sung việc thu hút nguồn nhân lực không chỉ chất lượng cao mà cần phải trình độ cao nữa. Bởi, để xây dựng công nghiệp QPAN phát triển phải có cơ sở vật chất, con người, công nghệ hiện đại. "Công nghệ có cái mua được, có cái không mua được. Con người thì phải đào tạo, và phải đào tạo con người có trình độ cao", ông nói.
Cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị chỉnh sửa dự án luật theo hướng thể hiện sự thu hút trí tuệ toàn dân trong phát triển công nghiệp QPAN, vì vấn đề liên quan QPAN là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi trí tuệ cao nhất và không phải là lĩnh vực của riêng lực lượng vũ trang. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đề nghị bổ sung nhân lực phục vụ công nghiệp QPAN đối với các kỹ sư, nhà khoa học, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu. "Chúng ta cần ghi rõ trong luật mới thể hiện chính sách quốc phòng toàn dân, từ đó huy động được đội ngũ này và chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới", đại biểu góp ý.
Cũng liên quan vấn đề nguồn lực, nguyên Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Việt Trường đề nghị luật quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực cho lĩnh vực này (không chỉ trông đợi vào ngân sách); có cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo, phát triển, bố trí nguồn nhân lực có trình độ cao; có cơ chế đặc thù, đặc biệt cho việc huy động, bố trí, sử dụng nhân lực bên ngoài. "Hiện luật đưa một vài quy định nhưng hết sức chung chung, không rõ ràng. Cần quy định cụ thể hơn để sau này người nào được giao nhiệm vụ đấy có thể yên tâm làm, không sợ sau này trở thành "củi", ông ví von.
Thay mặt Cơ quan soạn thảo phát biểu tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam cho biết, việc xây dựng công nghiệp QPAN phải đi trước một bước, phải có đủ năng lực, uy tín, xây dựng vũ khí đáp ứng yêu cầu hiện đại của Quân đội, Công an. "Không phải xây dựng dự án luật này chúng ta mới phát triển vũ khí, mà chúng ta đã có nền tảng từ trước. Do đặc điểm yêu cầu phát triển của nền QPAN nên cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Ban soạn thảo sẽ cố gắng nghiên cứu, tiếp thu, đưa vào cho phù hợp", đồng chí khẳng định.
Trong đó, quy hoạch của luật về vũ khí, trang bị phải phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, phù hợp chiến lược phát triển công nghiệp QPAN. Việc thu hút nguồn nhân lực, nuôi nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực, giữ nguồn nhân lực rất quan trọng. Về nguồn vốn, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm, chủ yếu chúng ta sử dụng ngân sách nhà nước là chính, đồng thời huy động cả nguồn vốn doanh nghiệp và những nguồn vốn hợp pháp khác...