Đồng hành cùng ngư dân 28 tỉnh, thành phố thực thi pháp luật trên biển

15:56 07/11/2022

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023”, đơn vị đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, phối hợp thực thi Luật Cảnh sát biển với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể.

Nhờ có sự tích cực phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát biển và các địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã nâng cao trách nhiệm của các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội... góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, những điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tuyên truyền về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho ngư dân ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Quản lý vùng biển có nhiều tàu, thuyền hoạt động, số lượng ngư dân khai thác, đánh bắt trên biển lớn, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát 4 thường xuyên chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới và quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác IUU cho ngư dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ các phương tiện đánh bắt hải sản trên biển có nguy cơ cao vi phạm và ngư dân trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Điển hình, tại cảng Tắc Cậu (tỉnh Kiên Giang), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân dân, nhất là chủ các phương tiện đánh bắt hải sản và ngư dân trên địa bàn một số nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản, các văn bản quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác IUU. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tổ chức cho 40 chủ tàu cá ký bản cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Tại vùng biển phía Bắc và miền Trung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Cảnh sát biển Việt Nam được đẩy mạnh. Theo Trung tá Lê Bá Nguyên, Chính trị viên Hải đội 202 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2), bên cạnh phát tờ rơi các loại, đơn vị tập trung tuyên truyền về chấp hành các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, kết hợp tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời tiến hành khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, tặng cờ Tổ quốc… cho các ngư dân.

Trung tá Lê Bá Nguyên cho biết thêm, trong các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam trên khu vực biển được phân công quản lý, Hải đội 202 đều đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện Chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”. Đặc biệt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, bà con ngư dân đã nắm bắt những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định liên quan đến hành vi chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam…

“Việc tuyên truyền đã nâng cao ý thức của ngư dân trong tuân thủ pháp luật khi khai thác hải sản trên biển, góp phần làm giảm và tiến đến chấm dứt hoàn toàn việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trong năm 2022”, Trung tá Lê Bá Nguyên khẳng định.

Theo anh Nguyễn Văn Thân, ngư dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nếu như trước đây, bà con vươn khơi bám biển chưa lắp đặt máy phát tín hiệu giám sát hành trình tại các tàu cá nên có thể gặp rủi ro. Song, từ khi lực lượng Cảnh sát biển phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định, chính sách pháp luật, ngư dân địa phương đã lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình và bật liên tục trong quá trình hoạt động trên biển. Ngư dân luôn đánh bắt đúng ngư trường theo giấy phép khai thác đã được cấp. Chính vì vậy, hiệu quả đánh bắt tăng lên rất rõ và các ngư dân có thể hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro.

Ngư dân giờ đây ra khơi là biết phải tuân thủ nghiêm Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

T.H

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文