Dùng dao xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người khác sẽ bị xử lý như với vũ khí quân dụng

11:46 04/05/2024

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm.

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, sáng 4/5, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên UBQPAN; đại diện các cơ quan của Quốc hội; các ban, bộ, ngành Trung ương...

Bất cập khi luật hiện hành không quy định dao là vũ khí, súng tự chế không thuộc vũ khí quân dụng

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu mở đầu phiên họp.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024; thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.

Trên cơ sở ý kiến UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật; có Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến UBTVQH và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực UBQPAN. Thường trực UBQPAN cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án luật; chủ động nghiên cứu, xây dựng dự thảo Báo cáo thẩm tra phục vụ phiên họp. Chủ nhiệm UBQPAN mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý thẳng thắn từ các đại biểu để góp phần hoàn thiện dự án luật.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo trình bày tờ trình, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, qua gần 6 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày tờ trình dự án luật.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc là thực tế hiện nay tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội nhưng không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng.

"Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ (dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành); khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lý giải.

Cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ vướng trong việc cho, tặng, viện trợ vũ khí

Uỷ viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Quốc Hùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cần thiết phải rà soát (30 điều) thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ để cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.

Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có nhu cầu cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước; tuy nhiên, luật hiện hành quy định nghiêm cấm cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ (bổ sung Điều 16 quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ).

Thêm vào đó, quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này (Điều 37, 38, 39, 40, 42, 43 và 44) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp.

"Với những lý do nêu trên, việc xây dựng và thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh. Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều.

Tạo hành lang pháp lý vững chắc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm

Báo cáo thẩm tra do Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Uỷ viên Thường trực UBQPAN trình bày nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

UBQPAN cũng cơ bản nhất trí với các khái niệm về vũ khí quy định tại Điều 3 dự thảo luật vì phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. UBQPAN thấy rằng, thực tế lực lượng vũ trang và một số lực lượng thì hành công vụ đang trang bị nhiều loại vũ khí, trong đó có vũ khí thô sơ, dao găm, lưỡi lê... để thực hiện trong các nhiệm vụ yêu cầu không gây tiếng nổ. Khi các đối tượng có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại vũ khí này trái quy định thì phải xem xét, xử lý nghiêm khắc như trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. "Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định các loại vũ khí thô sơ là vũ khí quân dụng là phù hợp, nhằm phòng ngừa tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người và người thi hành công vụ", Uỷ viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Quốc Hùng bổ sung thêm.

Qua thảo luận, các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thống nhất với nội dung dự thảo luật cũng như Báo cáo thẩm tra của UBQPAN; đồng thời đóng góp các ý kiến góp phần hoàn thiện dự án luật.

Phát biểu thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã lý giải vấn đề con dao lúc nào được coi là vũ khí, lúc nào được coi là công cụ để sản xuất, sinh hoạt. "Trong quá trình chứng minh các vụ việc mà khẳng định người đó chuẩn bị con dao làm công cụ để gây án thì lúc đấy được chuyển dịch sang là vũ khí. Câu chuyện này phải đảm bảo nhận thức của những người sử dụng cho đúng đắn, phân biệt hoạt động bình thường của xã hội và hoạt động trái quy định của pháp luật, gây nguy hiểm, tước đoạt mạng sống hay gây thương tích cho con người", đồng chí Thứ trưởng phân tích.

Toàn cảnh phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, gần 6 năm vừa  qua, năm nào Bộ Công an cũng đánh giá, sơ kết vấn đề vũ khí, công cụ hỗ trợ, dao có tính sát thương cao và việc gây nguy hiểm cho xã hội, từ đó thấy rất cần thiết báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi luật cho sát với thực tiễn, phù hợp với hoạt động chung của xã hội nhưng có áp dụng, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới. "Nếu chúng ta chậm ban hành các quy định này, vẫn để các hoạt động tự do như hiện nay thì "đầu còn rơi, máu còn chảy", tính nguy hiểm thường xuyên diễn ra cho con người, cho xã hội là như vậy", đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu; khẳng định sẽ phối hợp UBQPAN và các cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để có quy định chặt chẽ bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội.

Quỳnh Vinh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文