Giá điện chưa minh bạch, thị trường điện cạnh tranh vẫn "mờ nhạt, xa vời"
Thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chiều 7/11, giá điện là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận.
Bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động giá điện
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, Điều 86 quy định về các loại giá điện, vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết giá điện..., tuy nhiên chưa làm rõ được cơ chế xử lý giá điện thay đổi nhanh, hoặc không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá. Tương tự, tại Điều 87 về căn cứ lập, điều chỉnh giá điện và giá các dịch vụ về điện, nêu ra các yếu tố căn bản để lập, điều chỉnh giá điện song cũng chưa có quy định về sự minh bạch đối với các yếu tố chi phí thực tế được sử dụng để lập giá điện, như chi phí sản xuất, phân phối và lợi nhuận của các nhà cung cấp, tránh tình trạng "tăng giá không hợp lý hoặc bất ngờ".
"Điều 86 và Điều 87 đã nêu ra cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân nhưng chưa quy định rõ về tần suất điều chỉnh và cách thức thực hiện. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, cần quy định rõ hơn về tần suất điều chỉnh giá điện, Chính phủ cần thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu của mình", ông nêu.
Cùng với đó, bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện đến công chúng, giải thích rõ ràng cách thức tính toán giá điện và các yếu tố chi phối, việc tăng hoặc giảm vào hai điều luật này cho nó hợp lý. Đại biểu cũng đề nghị có quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động giá điện, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điện, chẳng hạn như thiết lập trần giá điện cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trợ giá cho các đối tượng đặc biệt...
Theo ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang), vấn đề giá điện và giá dịch vụ về điện tại Điều 86, 87, 88 có nhiều nội dung đã được quy định tại Luật Điện lực năm 2004 tiếp tục được đưa vào dự thảo luật, nhưng hầu hết đều giao cho Bộ Công thương xây dựng và thẩm định.
"Vấn đề quan trọng là vẫn chưa có quy định về nguyên tắc xác định giá các loại hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, chưa quy định về chủ thể hợp đồng và trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng sử dụng các loại dịch vụ. Có thể nói việc xây dựng thực hiện giá điện như vậy là chưa rõ các thành phần cấu thành giá điện. Trong khi đó, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh", nữ đại biểu phân tích.
Từ đó, bà đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện, ổn định cơ chế giá điện; thành phần quy định với những nguyên tắc, lộ trình rõ ràng, đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo nguyên tắc thị trường, đồng thời khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung tiêu chí xác định giá điện bán lẻ để đảm bảo tính công bằng và nguyên tắc thị trường điện cạnh tranh giữa bên bán và bên mua. Quy định thêm về trách nhiệm công khai, minh bạch các loại giá, xác định đây là vấn đề phải thực hiện thường xuyên chứ không phải chỉ thực hiện công khai, minh bạch các loại giá trong trường hợp cần thiết...
Phải tách bạch thực sự 3 khâu then chốt của ngành điện
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. "Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước", ông hiến kế.
Trong khi đó, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, hàng loạt vấn đề gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN, bù chéo, rồi ranh giới giữa kinh doanh với thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội... có rất nhiều nguyên do, nhưng nguyên do căn bản là chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh thực sự.
Nêu thực tế cách đây tròn 20 năm là thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa 11, tham gia thẩm tra Luật Điện lực, đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đại biểu xót xa khi đến thời điểm hiện tại, một thị trường điện cạnh tranh thực sự "có vẻ vẫn còn rất mờ nhạt, xa vời".
"Muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự thì phải thay đổi triệt để theo đúng hướng mà Đảng và Chính phủ ta đã chỉ rõ, là tách bạch thực sự 3 khâu then chốt của ngành điện: phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia. Ngành điện là một ngành đặc biệt liên quan an ninh năng lượng của đất nước. Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo, quản lý và điều hành tổng thể, chặt chẽ. Thế nhưng 3 khâu trên phải tách bạch, đồng thời tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý Nhà nước, giữa kinh doanh và thực hiện chính sách an sinh xã hội", đại biểu nhấn mạnh. Ông nhận thấy, sửa đổi trong dự thảo luật lần này chưa có được quy định pháp lý đủ mạnh để có thể thay đổi mang tính quyết định, giúp thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.