Giá vé máy bay còn tăng nữa không, vàng bao giờ hết "nhảy múa"?

11:56 13/05/2024

Thảo luận tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 và năm 2024, sáng 13/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt câu hỏi thẳng: Báo cáo Chính phủ nói "giá vé máy bay tăng nhưng chưa kịch trần", vậy liệu giá còn tăng nữa không và có ảnh hưởng gì đến du lịch? Giá vàng "nhảy múa" vừa rồi, công tác quản lý thế nào?

Đưa ra đấu thầu nhưng vàng vẫn tăng mức tột đỉnh

Báo cáo của Chính phủ cho rằng, ngành hàng không tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn; giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân; trong quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập. Trong khi đó, đại diện Cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp...

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, vừa qua du lịch phục hồi rất ấn tượng, trong đó, có vai trò của việc sửa đổi thể chế, công tác xuất, nhập cảnh; có nhiều giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch cùng nhiều chính sách khác... Ông   đề nghị, cần chú ý việc điều tiết giá dịch vụ hàng không khi du lịch dịp nghỉ lễ, đường bộ thu hút du khách rất đông, còn phần các cơ sở du lịch phải di chuyển bằng đường hàng không thì khó khăn hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt câu hỏi thẳng thắn: "Báo cáo Chính phủ nói "giá vé máy bay tăng nhưng chưa kịch trần", vậy liệu giá còn tăng nữa không và có ảnh hưởng gì đến du lịch? Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính phải trả lời dứt khoát được vấn đề này, còn tăng hay không và đến bao giờ thì hết tăng? Việc này ảnh hưởng đến kinh tế du lịch như thế nào? Tôi cảm giác chỗ này không ổn lắm".

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

"Thứ hai, giá vàng "nhảy múa" vừa rồi, công tác quản lý thế nào? Không lẽ cứ để "nhảy múa" như thế? Thị trường gì thì thị trường, nhưng không thể để thị trường "nhảy múa", giá vàng tăng - giảm rất đột biến như thế, công tác quản lý Nhà nước phải rõ" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có chỉ đạo ngành Ngân hàng quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. "Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra đấu thầu thị trường vàng nhưng giá vàng vẫn tăng đến mức tột đỉnh. Đề nghị phải có sự quản lý chặt chẽ thị trường vàng, phải có bàn tay của Nhà nước can thiệp vào thị trường", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói.

"Tại sao vàng "nhảy múa" và có thời gian đạt cao trên 92 triệu đồng như vậy, đề nghị Chính phủ cần đánh giá, vì sao lĩnh vực đầu tư tư nhân lại có nghịch cảnh như vậy?" - Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bổ sung thêm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hiện giá USD bán ra trong các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, dự báo sắp tới tiếp tục áp lực tăng; giá vàng mấy ngày qua "nhảy múa", lên 91-92 triệu đồng/lượng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước...

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát sao diễn biến tình hình trong nước và thế giới; có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Tình trạng biến động thị trường vàng trong nước là vấn đề chúng ta quan tâm, các đồng chí đã nói nhiều rồi, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng; làm sao khắc phục tình trạng vàng miếng trong nước chênh lệch, tăng quá cao so với vàng quốc tế", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Đảm bảo nguồn cung vàng, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, đẩy giá

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ những hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC trong nước và quốc tế thường xuyên ở mức cao. Nguyên nhân giá vàng tăng, theo ông, do giá thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế, khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà.

Về giải pháp, Phó Thống đốc khẳng định, trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá trong nước và quốc tế. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các chi nhánh 63 tỉnh, thành tăng cường quản lý nhà nước với thị trường vàng; tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng miếng…

NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp để cùng nắm tình hình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công, kiểm tra giám sát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, đẩy giá. NHNN cũng phối hợp UBND các tỉnh, triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn.

"Đến hôm nay, giá vàng trong nước đã giảm so với hôm thứ Bảy vừa qua. Ngày mai, NHNN sẽ tổ chức phiên đấu thầu tiếp theo, và trong tuần này sẽ tổ chức hai phiên thay vì một phiên như trước, để tăng cung ra thị trường, đảm bảo ổn định nguồn cung, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế", ông thông tin. Về lâu dài, NHNN sẽ báo cáo tổng kết, đề xuất sửa đổi Nghị định 24, đề xuất thêm các giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Liên quan vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, thị trường vàng là hàng hoá đặc biệt, liên thông với thị trường ngoại tệ, liên quan trực tiếp đến điều hành kinh tế vĩ mô. Vừa rồi có biến động rất lớn, giá cao so với thế giới và chênh lệch giá mua bán cao, rất phức tạp. "Nếu chúng ta không kiểm soát các giải pháp đồng bộ thì rất khó. Về mặt buôn bán đầu vào - đầu ra phải phát hành hoá đơn rõ ràng; niêm yết giá theo thị trường. Giao thanh tra chuyên ngành rà soát, nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm, chuyển cho Bộ Công an điều tra, xử lý ngay", Phó Thủ tướng bổ sung thêm.

Giá vé máy bay tăng bình quân 14-20% và tiếp tục tăng

Giải trình về vấn đề giá vé máy bay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, giá vé máy bay trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ GTVT, Bộ này quy định trần giá, vừa rồi đã ban hành Thông tư 34 năm 2023, có hiệu lực từ 1/3/2024 quy định về khung giá, dịch vụ, tăng bình quân 3,75% so với mức cũ. Qua đó, có tác động thị trường và thủ tục do ngành hàng không quyết định giá dịch vụ vận tải, phải thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Danh Huy, về giá vé máy bay, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không dân dụng đánh giá thị trường giá vé Việt Nam và quốc tế để tính mức giá bình quân. Với Việt Nam, lấy giá vé của Vietnam Airlines giai đoạn vừa qua là 0,08-0,12 USD/km. Tại Thái Lan, lấy đường bay Phuket là 0,1-0,29 USD/km; Trung Quốc lấy giá vé của đường bay Thượng Hải đi Quảng Châu là 0,27-0,3 USD/km. Về mức tăng, ông cho hay, bình quân giá vé của Vietnam Airlines so với cùng kỳ tăng 14-20% trên các đường bay.

Đề cập nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, do có việc tăng giá nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, cộng với thực tế thiếu tàu bay. Toàn bộ cấu thành chi phí giá hàng không có 65-70% là từ nhiên liệu. Bên cạnh đó, do thiếu máy bay nên buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công nên chi phí tăng cao. Một nguyên nhân khác là do người dân mua vé sát giờ bay. "Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, giá vé máy bay nếu mua trước sớm 1-2 tháng sẽ giảm so với mức bình quân, còn mua càng sát ngày giá vé càng cao", ông dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Danh Huy.

Về thực tế giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT giải thích, do Thái Lan vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không. Còn theo xu hướng chung, giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng cao.

Về ảnh hưởng đến du lịch, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định là có. Tuy nhiên, Bộ này cũng đưa ra giải pháp về tăng cường khai thác vận chuyển đường sắt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã ban hành quy định rà soát lại toàn bộ chi phí kê khai giá, yêu cầu tăng các chuyến bay về đêm, dùng máy bay thân rộng. "Chúng tôi đã yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí, nghiên cứu giảm các loại phí để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân với mức hợp lý nhất", Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Danh Huy thông tin.

Quang cảnh phiên họp.

Kinh tế xu hướng phục hồi nhưng nguồn lực xã hội bị "chôn" vào đất

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023, KTXH có xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra; nước ta tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; hoàn thành 10/15 chỉ tiêu chủ yếu. Từ đầu năm 2024 đến nay, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động KTXH diễn ra sôi động hơn; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nợ công, nợ quốc gia được bảo đảm.

GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I kể từ năm 2020 và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ. Thu ngân sách 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ...

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết. Cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản vừa qua có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Theo Cơ quan thẩm tra, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy, người có nhu cầu thực không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ). Đồng thời, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; trong khi người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng...

Quỳnh Vinh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文