Giải pháp đột phá đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/02/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày 21/3, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra những giải pháp đột phá đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Báo cáo về tình hình 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cho biết trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã đặc biệt quan tâm bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người làm nghề rừng.
Từ năm 1991, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên gắn với đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, giống cây trồng, vật nuôi cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng; có chính sách hỗ trợ người dân tham gia cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hàng năm trồng mới trên 11.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 65,2% (đứng thứ 3 cả nước).
Thực hiện quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu đi đôi với thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị rừng trồng. Thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh đã chú trọng công tác giao đất, khoán rừng cho hộ nông dân, trồng rừng, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc; thực hiện quản lý rừng bền vững.
Đến nay, ngành lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư tham gia, tạo thành các chuỗi để phát triển, sản phẩm lâm nghiệp của Tuyên Quang đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả tích cực mà tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh nói chung cũng như công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói riêng. Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, trên 448.000 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 426.000 ha; hàng năm trồng mới trên 11.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 65,2%, đứng thứ 3 cả nước.
Tuyên Quang đã có những bước đi mạnh mẽ, đáp ứng được đúng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; 43.600 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Công nghiệp chế biến lâm sản được duy trì, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương; giá trị chế biến gỗ chiếm 14% giá trị công nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn một số tồn tại, hạn chế như: Diện tích rừng trồng gỗ nhỏ chiếm tỷ lệ cao; ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển lâm nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp chưa đa dạng…
Để có thể xây dựng “Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ” theo định hướng tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn Tỉnh, quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả bảo đảm tính đồng bộ, liên thông quy hoạch giữa kinh tế- xã hội với quy hoạch rừng, lâm nghiệp với các quy hoạch khác.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống. Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng…