Giải pháp gỡ nút thắt lớn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển.
Chiều 30/10, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội về những tồn tại, hạn chế và giải pháp để thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phát biểu giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, về tốc độ giải ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương cùng tháo gỡ, đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.
“Mặc dù trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng có cơ chế đặc thù cho riêng các vùng miền, điều này có sự chênh lệch giữa các địa phương. Qua các ý kiến của các đại biểu đã cho thấy trong cùng một vùng miền cũng có những tỉnh vượt lên. Do đó, khi tiếp cận và vận hành chương trình thì vướng mắc nhất sẽ ở những địa phương dưới mức trung bình” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho biết sẽ trình với Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới để tính toán vấn đề này.
Do đó, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, những vấn đề thiết kế chính sách trong thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương. Bởi nguồn lực Nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng.
Vạch rõ nguyên nhân gây khó khăn khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc có các chính sách “cho không” nên tạo sự ỷ lại hay không, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định, trong chương trình giảm nghèo không còn chính sách cho không, mà chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện, cả về hỗ trợ sản xuất, nhà ở, sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
“Tại nhiều địa phương, hàng trăm hộ viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhường quyền lợi cho người khác. Khi chúng tôi tiếp xúc, họ nói e ngại khi nhận “danh hiệu” này, băn khoăn và tự mình muốn vươn lên” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ. Về việc tách hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, bộ đã triển khai cùng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí khi tách, để họ có cuộc sống tốt hơn, chí ít không thấp hơn hộ nghèo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định thực tiễn cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo “chạy tương đối tốt”, còn chương trình dân tộc miền núi có khó khăn hơn, đồng thời thẳng thắn chỉ ra cả 3 chương trình gặp các vấn đề: Thứ nhất là đã và đang ban hành quá nhiều văn bản. Bình quân mỗi chương trình có 60-70 văn bản và không thể không ban hành nên cơ quan chủ quản vất vả với cả “rừng” văn bản. Thứ hai là phân cấp phân quyền chưa rõ, chưa đến nơi đến chốn, dưới chờ trên, trên bảo dưới làm đi nhưng dưới sợ. Có Thông tư hướng dẫn rồi mà ở dưới vẫn chờ hướng dẫn tiếp, tức chờ “hướng dẫn của hướng dẫn”, song vấn đề là không phải hướng dẫn không rõ. Thứ ba, chương trình phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều. Trên 1000 dự án trong khi Trung ương giao vốn chi tiết đến từng dự án nên triển khai khó khăn, khi phát hiện không phù hợp vẫn không được tự điều chỉnh. Thứ tư, mục tiêu cao, vốn ít, trong khi đó địa phương đối ứng vốn càng khó khăn hơn, chưa kể giao vốn còn chậm. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện cũng có vấn đề cần khắc phục. Với chương trình nông thôn mới và giảm nghèo thì có kinh nghiệm, còn chương trình dân tộc miền núi là mới nên có khó khăn hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội cho thí điểm trao quyền trọn gói cho các huyện được điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong các chương trình và giữa các chương trình.“Chỉ có như vậy mới nhanh được. Trước mắt Quốc hội cho phép mỗi tỉnh chọn 1-2 huyện thí điểm; tỉnh điều phối, kiểm tra, giám sát, còn Trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra, kiểm tra, tổng kết chương trình” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, so với khi báo cáo ở kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền và đã đem lại kết quả thiết thực. “Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.