Giải pháp nào chấm dứt bạo lực học đường, chống đuối nước trẻ em?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên, bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; giải quyết bất cập trong tổ chức dạy bơi, hướng dẫn an toàn dưới nước cho học sinh trong nhà trường.
Tại phiên chất vấn sáng 8/11, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về bạo lực học đường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bày tỏ đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về những con số bạo lực học đường và nguyên nhân. Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ, bình quân mỗi năm học, cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; cứ 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau...
Từ đó, bà đề nghị, vấn đề này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, trong đó có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi gia đình để góp phần chấm dứt bạo lực học đường.
Phát biểu tranh luận, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với những khó khăn về nguồn kinh phí của ngành giáo dục trong tương quan với nhiều công việc khác. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính và Chính phủ thể chế hóa quy định chi cho hoạt động Đoàn, Đội để có sự ưu tiên cụ thể cho hoạt động này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình. Bộ cũng sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; tăng cường triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực...
Bộ đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. "Khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam...", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Trao đổi lại với Bộ trưởng về vai trò của nhà trường và xã hội trong việc ngăn chặn bạo lực học đường, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận thấy, mặc dù bạo lực học đường là vấn đề mà chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Chia sẻ với Bộ GD&ĐT những vấn đề khách quan trong giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng văn hóa ứng xử, đạo đức học đường, ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay có những giá trị văn hóa truyền thống đang bị cạnh tranh, còn những giá trị mới đang hình thành và chưa rõ, chưa được khẳng định. Do đó, vấn đề này không chỉ của ngành giáo dục mà còn là vấn đề của ngành văn hóa.
Quan tâm đến vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) dẫn số liệu, hàng năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Một trong những biện pháp khắc phục hiệu quả là cần dạy trẻ bơi an toàn, tuy nhiên, tỷ lệ trường học có bể bơi còn thấp, việc dạy bơi chưa được đẩy mạnh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi theo chuẩn?
Cảm ơn ý kiến góp ý của đại biểu Tô Văn Tám về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là ý kiến đúng đắn và sẽ được tiếp thu nghiêm túc. Đối với ý kiến chất vấn của ĐBQH Lê Văn Khảm, ông khẳng định, từ năm 2021, Bộ đưa ra kế hoạch về hướng dẫn dạy bơi cho học sinh, chống đuối nước tại các trường học. Tới nay, tỷ lệ học sinh được học bơi, biết bơi là 33,6%, tức số học sinh chưa biết bơi vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Tại các trường tư, cơ chế tài chính tốt nên việc dạy bơi triển khai tốt hơn so với trường công. Hiện cả nước có 2.184 trường có bể bơi trong trường học. "Vướng mắc lớn nhất là nhiều trường học không có bể bơi để tập, nhiều trường có bể bơi nhưng không vận hành vì thiếu kinh phí. Vấn đề chính là kinh phí vận hành, quản lý bể bơi gặp vướng" - Bộ trưởng cho hay và khẳng định, tới đây sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ.
Thông tin thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây, tính trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tỷ lệ trẻ em đuối nước. Từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, tổ chức Hội nghị toàn quốc và có công điện, trong đó, giao nhiệm vụ chính cho Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo dạy bơi chống đuối nước trong trường học.
"Từ đó, 2 năm qua, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ trẻ em đuối nước giảm đi", Bộ trưởng thông tin và cho biết, giải pháp dạy bơi ở trường học còn nhiều hạn chế nhưng qua kiểm tra và đánh giá, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục khuyến khích thực hiện. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp và bố trí nguồn lực và thiết bị cho trường học...