Giám sát SGK: Tài liệu nhiều rồi, không cần hội thảo rộng
Sáng 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Theo báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày, Đoàn giám sát tập trung vào 4 nội dung chính: Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức. Những bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị triển khai thực hiện hiệu quả 2 nghị quyết trên trong thời gian tới.
Về đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; các bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố. Các cơ quan, tổ chức có liên quan (các cơ sở giáo dục phổ thông; các nhà xuất bản; các trường đại học, cao đẳng sư phạm,…).
Về thời gian giám sát, từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2022 (từ thời điểm Nghị quyết 88/2014/QH13 có hiệu lực đến hết năm học 2021- 2022).
Qua thảo luận, UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc chuẩn bị đầy đủ các văn bản theo quy định.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: "Không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đồng thời quá trình giám sát phải xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng; căn cứ để đánh giá. Khi nghiên cứu, khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù... vùng kinh tế, xã hội khác nhau".
Mỗi bộ ngành, địa phương tập trung chủ yếu vào việc gì; không phải làm các cuộc như nhau. "Tư liệu, tài liệu khá nhiều rồi, không cần hội thảo rộng, chỉ cần tọa đàm hẹp theo từng phần, từng nhóm vấn đề", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý và đề nghị làm rõ các kết quả đạt được, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương.
"Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Đoàn giám sát sẽ kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh và có thể báo cáo UBTVQH giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề cần phải mở rộng, đi sâu hơn...