Giáo dục đại học bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc

19:29 05/11/2023

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, quy mô giáo dục đại học (GDĐH), công tác quản lý, quản trị đại học có bước phát triển và nhiều đổi mới. Theo báo cáo của Bộ GD & ĐT, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở GDĐH tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ GDĐH trong giai đoạn này tăng từ 1.546.478 người lên 2.021.901 người, tỉ lệ tăng 30,74%

Chiều 5/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD & ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2023 – Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng GDĐH. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, quy mô GDĐH, công tác quản lý, quản trị đại học có bước phát triển và nhiều đổi mới. Theo báo cáo của Bộ GD & ĐT, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở GDĐH tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ GDĐH trong giai đoạn này tăng từ 1.546.478 người lên 2.021.901 người, tỉ lệ tăng 30,74%.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, GDĐH còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc.

Nhiều trường đã tích cực, chủ động phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Số lượng, trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên các trường đại học được nâng lên. Tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,38% năm 2013 lên 31,28% năm 2021. Số lượng giảng viên có trình độ sau đại học tăng từ 37.856 người năm 2013 lên 70.018 người năm 2021. Cơ sở vật chất của nhiều trường đại học được tăng cường. Các đại học, trường đại học hàng đầu của Việt Nam liên tục xuất hiện và tăng thứ hạng, giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.

“Tuy nhiên, GDĐH còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Đó là thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực GDĐH còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học. Quy mô GDĐH của nước ta có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Kinh phí đầu tư cho GDĐH còn thấp. Chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều các thành phần xã hội tham gia. Số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giảng viên đại học chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là về năng lực đổi mới sáng tạo. Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH chưa được hoàn thiện.

Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các bộ lắng nghe các nhà khoa học đề xuất cơ chế phát triển GDĐH.

“Tôi đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về chất lượng GDĐH từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo,  người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội. Đặc biệt, cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách, đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về: Chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; Đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học; Chính sách về nguồn lực đầu tư; Chính sách về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý GDĐH; Chính sách xã hội hoá GDĐH; Về hợp tác quốc tế trong GDĐH và GDĐH gắn với việc làm sau khi ra trường”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn đã chỉ ra những nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế chất lượng GDĐH. Đó là cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng chưa hiệu quả, thực chất. Hành lang pháp lý về tự chủ đại học chưa đồng bộ, năng lực quản trị của một số cơ sở GDĐH còn yếu. Hệ thống cơ sở GDĐH còn phân mảnh, chưa tối ưu hóa. Nguồn lực đầu tư cho GDDH còn rất thấp. Phân bổ NSNN cho GDĐH chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn một sự bứt phá cho GDĐH.

Nói về tự chủ đại học, GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ, tự chủ đại học hiện nay chủ yếu được cơ sở giáo dục nhấn mạnh ở yếu tố quyền lợi, mà chưa tập trung nhiều vào yếu tố trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình. Điều này dẫn đến hệ quả là các trường tập trung chủ yếu vào các hoạt động tăng nguồn thu và mức độ tự chủ trong sử dụng các nguồn thu này mà không tập trung vào sứ mạng, tầm nhìn Nhà nước giao cho các trường ĐH công. GS.TS Lê Quân cho rằng, để hạn chế những bất cập trên, vai trò điều tiết của Nhà nước vô cùng quan trọng, không chỉ kiến tạo khung pháp luật mà còn định hướng, hỗ trợ hệ thống các trường ĐH. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách mang tính đột phá, có tính lan tỏa và cạnh tranh cao giữa các trường ĐH, mà việc hình thành Quỹ học bổng quốc gia cho những mục tiêu ưu tiên là một hướng gợi ý cần thiết.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho hay, tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ NSNN giảm dần từ 21% → 19% → 15% qua các năm 2019, 2020, 2021 do đã có 6 trường ĐH thành viên tự chủ chi thường xuyên. Phân bổ ngân sách R&D cho các trường ĐH thấp nhất trong nhóm, trong khi top 9 đơn vị có công bố khoa học cao nhất 2022 lại là các cơ sở GDĐH.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Ngân sách nhà nước dành cho GDĐH ít và ngày càng khó khăn: Năm 2020, chỉ 0,18%, chiếm 4,06 % ngân sách cho giáo dục. Từ đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị, Nhà nước cần đảm bảo nguồn lực tài chính, tăng cường đầu tư cho các cơ sở GDĐH, nhất là các cơ sở GDĐH trọng điểm để làm đầu tàu dẫn dắt hệ thống và có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, GDĐH cần phải đi nhanh, hoạt động đào tạo phải theo tín hiệu thị trường. Vai trò của đầu tư công phải trọng tâm, hiệu quả, không thể dàn trải, nên chăng tập trung cho một số trường ĐH trọng điểm, như thế mới khả thi. Các trường ĐH khác phải giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN. Bà Ngọc đưa ra một số nhóm chính sách như: Có chính sách chuyển trường ĐH sang mô hình quản trị doanh nghiệp; thu hút đầu tư tư nhân vào GD; thể chế chính sách về hợp tác liên kết; thể chế liên thông giữa các cơ sở đào tạo; cần có thể chế thương mại hóa kết quả đầu ra…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh kết luận hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, chúng ta cần hệ thống giáo dục đại học ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá.

“Nhưng câu chuyện chúng ta bàn từ đầu hội thảo đến giờ, cảm giác vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường đại học cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá”, Bộ trưởng Sơn nói và cho hay, với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Thêm nữa, chúng ta phải thay đổi về tự chủ - đây là một trong những câu chuyện đổi mới giáo dục.

Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để mở đường cho kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chúng ta đã thực hiện một luật sửa nhiều luật, đây là việc bất đắc dĩ trong xây dựng luật pháp; tuy nhiên và cần thiết cũng cần tính đến làm một luật để sửa nhiều luật, tránh những chồng chéo, trong đó nên lấy tâm điểm là tự chủ đại học và rà soát những gì chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi, để các luật khác, các quy định khác có thể mở đường cho tự chủ đại học.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với ý kiến cho rằng cần có đột phá về chất lượng giáo dục đại học, cần có những định hướng chính sách mang tính trọng tâm, trọng điểm đối với GDĐH. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật GDĐH. Đối với những kiến nghị về vướng mắc, bất cập liên quan đến chính sách, pháp luật và các văn bản dưới luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp đầy đủ để có nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới.

Thu Phương

Hỏi: Tôi được biết Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực thi hành. Xin Quý báo cho biết, tại khu vực Thanh Trì thì điều kiện và diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở có thay đổi gì không? (Bà Phạm Thị Hà, Thanh Trì, Hà Nội)

Tuy sinh sống ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương gần 8 năm qua nhưng lúc nào cô gái 9X Bùi Thị Mỹ Dân (quê ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) – chủ sở hữu fanpage có nickname “Dân Bùi xứ Nẫu” cũng hướng về… xứ Nẫu Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn bằng những nghĩa cử thiết thực.

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文