Hà Nội hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua VNeID

12:25 15/05/2024

Với 100% đại biểu có mặt tại kỳ họp thứ mười sáu tán thành, sáng 15/5, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP.

Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam, cư trú trên địa bàn Hà Nội, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Nội dung, mức hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết này gồm: Hỗ trợ 100% phí phải nộp của các đối tượng quy định của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Hà Nội sẽ hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ. Ảnh: Viết Thành

Hà Nội sẽ hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ); mức hỗ trợ 100.000 đồng/lần/người. Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của các đối tượng khác; mức hỗ trợ 200.000 đồng/lần/người.

Trường hợp đối tượng quy định của Nghị quyết này có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người (tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp).

Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách TP giao Sở Tư pháp. Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP, từ năm 2021 đến 2023, Hà Nội đã cấp khoảng 222.500 phiếu lý lịch tư pháp và trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp tiếp nhận trên 500 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân, tổ chức.

Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024 tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2024 của Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trước thời điểm nhân rộng toàn quốc (xác định từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử).

Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, từ ngày 22/4, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp của TP đã được triển khai thí điểm trên ứng dụng VNeID. Từ 22/4 đến ngày 6/5, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ; trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID (đạt 39,78%); có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công TP (đạt 60,22%). Số liệu trên cho thấy, mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ bước đầu, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp chưa cao. Vì vậy, TP cần thiết có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ này, đặc biệt ở giai đoạn đầu thực hiện.

Khi nghị quyết được ban hành, đi vào đời sống, sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thu nộp phí, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công TP trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp phiếu lý lịch tư pháp; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian tới...

T.Linh

Thời gian vừa qua, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cảnh sát Vương quốc Campuchia giải cứu nhiều nạn nhân bị “sa bẫy” của bọn buôn người dưới thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”.

Ngày 15/9, chính quyền huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã bắt đầu công cuộc tái thiết thôn Làng Nủ bằng việc xây dựng một khu tạm định cư cho người dân ổn định cuộc sống trước khi khu tái định cư được hoàn thành.

Mùa mưa bão thường xuyên mang theo nhiều thách thức thiên tai, và cứ đến hẹn lại lên, khi mùa mưa bão về thì mạng xã hội lại tràn lan những tin giả, tin đồn thất thiệt về lũ lụt, vỡ đê, sạt lở... Những thông tin sai lệch này không chỉ gây hoang mang trong cộng đồng mà còn làm rối loạn công tác ứng phó thiên tai của các cơ quan chức năng.

Càng trong khó khăn, gian khổ, nghĩa tình đồng bào càng bừng sáng, ấm áp hơn bao giờ hết. Hàng chục năm rồi, miền Bắc mới phải hứng chịu một cơn lũ lịch sử. Trong muôn vàn đau thương, tang tóc mà cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, là lúc người dân tựa vai nhau đứng dậy.

Chỉ sau hơn 3 tiếng đồng hồ kể từ khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Trường Thi, TP Vinh (Nghệ An) đã truy bắt thành công đối tượng trộm tiền ủng hộ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3…

Sáng 15/9, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Bộ Công an đã đến thăm, động viên lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ trong thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khu vực xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文