Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội khẳng định, thực hiện có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhưng không chủ quan, nóng vội với mục tiêu nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tốt an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ngày 14/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội”.
Chỉ thị nhằm đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ phù hợp điều kiện thực tiễn của TP theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từng bước bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, an toàn cho Thủ đô là trên hết, trước hết và giữ vững thành quả đạt được.
Có thể bùng phát các đợt dịch mới
Theo Chỉ thị, mục tiêu lãnh đạo, chỉ đạo của TP nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; tránh các tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo tiền đề khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá, thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt giãn cách xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, xác định phương châm phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và chuẩn bị các điều kiện ở cấp độ cao hơn với những giải pháp trúng và đúng để tránh bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra. TP đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho Thủ đô.
Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với các biến chủng mới tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu. Nguy cơ sẽ tăng cao khi cả nước thực hiện nới lỏng và cho phép các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trở lại. Tại Hà Nội, mặc dù đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi, nhưng số người trên 50 tuổi trả mũi 2 còn thấp (khoảng 20%).
Số lượng người cao tuổi, người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm vẫn rất lớn. Hiện cũng chưa có vaccine cho người dưới 18 tuổi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch và quản lý di biến động dân cư chưa được hoàn thiện. Dự kiến có hàng triệu sinh viên, người lao động, các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp từ các địa phương khác chưa hoàn thành công tác tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 sẽ trở lại và hoạt động trên địa bàn TP.
7 nhóm nội dung quan trọng tập trung thực hiên trong thời gian tới
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở thực hiện tốt 7 nhóm nội dung nhiệm vụ như sau:
Tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của TP; đảm bảo mọi người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K và quét mã QR, đề cao ý thức người dân với lực lượng y tế là nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an...
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Nêu cao vai trò của chi bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và nơi cư trú, sự vào cuộc một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa của hệ thống chính trị ở cơ sở, của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng (do lực lượng Công an cơ sở làm nòng cốt), các lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh...
Tập trung đầu tư, tiếp tục hiện đại hoá, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đồng thời, thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất, kinh doanh được bình thường.
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới đảm bảo không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với lộ trình cụ thể, khả thi. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để các cấp, các ngành có cơ sở triển khai thực hiện.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, nòng cốt là Công an TP triển khai việc nhập và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ mục tiêu trước mắt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 và lâu dài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý xã hội trên địa bàn TP.
Ban cán sự Đảng UBND TP phối hợp với Đảng đoàn HĐND TP nghiên cứu, rà soát, kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết và cân đối, bổ sung nguồn lực cho các quận, huyện, thị xã đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.