Hà Tĩnh sẵn sàng mặt bằng “chờ” dự án cao tốc Bắc – Nam
Để chuẩn bị cho việc khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 chạy qua địa bàn với chiều dài 102,38km, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống vào cuộc, tích cực phối hợp với các nhà thầu và chủ đầu tư để kiểm đếm, giải phóng mặt bằng (GPMB). Kết quả, đến nay việc GPMB đã đạt 92,37%, trong đó có 3 địa phương đã hoàn thành phần việc này.
Theo đánh giá, tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện khá tốt các phần việc để đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT.
Đến nay, ngoại trừ huyện Thạch Hà đang thực hiện công tác khảo sát, lập hồ sơ thì các địa phương có dự án đi qua đã trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án. Theo đó, để phục vụ dự án, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành xây dựng 25 khu tái định cư cho người dân và 3 khu nghĩa trang.
Tỉnh Hà Tĩnh dự kiến thu hồi gần 1.000 ha đất các loại, di dời 600 hộ dân, 600 ngôi mộ và các công trình, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 3.900 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, về cơ bản nhận được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân nên việc kiểm đếm, GPMB diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, chủ đầu tư 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng là Ban QLDA Thăng Long đã có điều chỉnh mốc thực địa GPMB dài 3,15km qua 2 xã Thạch Ngọc (hơn 1km) và xã Lưu Vĩnh Sơn (hơn 2 km), cùng trên địa bàn huyện Thạch Hà mà đơn vị này đã cắm và bàn giao cho địa phương trước đó dẫn đến chậm tiến độ so với dự kiến.
Theo chủ đầu tư, việc điều chỉnh mốc GPMB 3,15km sẽ làm cho tim tuyến cao tốc dịch sang bên trái theo hướng Bắc - Nam với khoảng cách điểm xa nhất so với mốc GPMB đã cắm trước đó là 50m. Sự “thay đổi bán kính đường cong” là để phù hợp với điểm vuốt nối vào cầu vượt đường tỉnh 550, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ yếu tố kỹ thuật đã được Bộ GTVT chấp thuận.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh cho biết: Từ nay đến thời điểm khởi công dự án trước ngày 20/11/2022, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân về dự án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT trong quá trình thực hiện GPMB và triển khai dự án; hỗ trợ các chủ đầu tư, Ban QLDA, đơn vị tư vấn trong việc khảo sát địa hình, địa chất ở bước thiết kế kỹ thuật. Giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý mặt bằng xây dựng, đất đai đối với phạm vi mốc đã nhận bàn giao và hành lang ATGT.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác GPMB trong đó xác định rõ mốc thời gian hoàn thành công tác kiểm đếm, áp giá; phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền đền bù; bàn giao mặt bằng phần đất nông nghiệp; hoàn thành xây dựng khu tái định cư; bàn giao mặt bằng phần đất ở.
Đối với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương phải rà soát, đề xuất cụ thể bằng văn bản, gửi các sở, ngành liên quan.
Trong thời hạn 3 ngày, các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền trực tiếp và chủ động làm việc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn. Trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời tham mưu phương án xử lý, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Sau khi hoàn thành công tác kiểm đếm, các địa phương cũng sẽ tiến hành việc áp giá, phê duyệt phương án bồi thường cũng như lập và trình thẩm định phê duyệt mặt bằng quy hoạch các khu tái định cư dự án. Các địa phương đang đề nghị Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 - chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 sớm bố trí kinh phí để các địa phương thực hiện công tác GPMB đảm bảo mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT.
Giai đoạn này, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang tập trung phối hợp để tiến hành di dời đường điện, công trình viễn thông để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 20/11/2022.
Quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an tỉnh Hà Tĩnh, thường xuyên nắm tình hình, đảm bảo ANTT trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB, công tác bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, thi công xây dựng công trình.