Hiệp định Paris - Thắng lợi quan trọng góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975

Hành trình đấu trí cam go (kỳ 1)

07:58 28/01/2023

Năm 2023 là một năm đặc biệt đối với nền ngoại giao Việt Nam, đánh dấu 50 năm đất nước thiết lập quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Australia hay Canada... Để có được mối bang giao quý báu đó, tiền đề chính là việc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết vào ngày 27/1/1973.

Đó là một hành trình đầy cam go, kết hợp tài tình giữa chính trị, quân sự và ngoại giao, sự chiến đấu anh dũng của quân dân cả nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vận dụng những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng nói chung và đấu tranh ngoại giao nói riêng "Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Từ nguyên tắc bất biến xuyên suốt dòng chảy lịch sử

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, cuộc đàm phán Paris giữa các bên về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã đi đến hồi kết bằng Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 sau hành trình dài 4 năm 8 tháng 14 ngày. Đây là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với những điều khoản quan trọng như: Mỹ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Mỹ và các nước đồng minh phải rút khỏi Việt Nam, không dính líu và can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Hàng đầu từ trái qua phải: Đồng chí Xuân Thủy, đồng chí Lê Đức Thọ và Cố vấn Mỹ Henry Kissinger, vẫy chào người dân sau buổi họp cuối cùng giữa các bên ở Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: AP

Nếu đặt Hiệp định Paris trong dòng chảy lịch sử dân tộc, có một sự trùng hợp rất đáng chú ý. Khi quân Minh sang đánh chiếm nước ta năm 1417, Lê Lợi và Nguyễn Trãi sau một thời gian đã áp dụng chiến lược đánh và đàm trong vòng 5 năm với địch. Cuối cùng, hai bên đi đến một thỏa thuận gọi là Hội thề Đông Quan, nêu rõ quân Minh phải cam kết rút hết về nước và ta tạo điều kiện để quân Minh rút. Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đây có thể coi là "hiệp định đình chiến" đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng về đánh và đàm.

Như vậy, từ Hội thề Đông Quan tới Hiệp định Paris, độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bên cạnh việc kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền, hoạt động ngoại giao rất được chú trọng, tạo truyền thống và bản sắc riêng. Tuy nhiên, ở thời Lê Lợi, nếu nghệ thuật đánh và đàm chỉ dừng lại ở phạm vi giữa hai quân đội đối địch thì đến thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật đánh và đàm đã phát triển, mở rộng. Đánh tạo thế cho đàm, đàm khích lệ để tiếp tục đánh, vừa đánh vừa đàm. Nghệ thuật đó được triển khai chủ động trong suốt cuộc chiến tranh.

Tới tầm nhìn chiến lược

Trở lại với bối cảnh lịch sử, từ năm 1965, cùng với việc đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao với danh nghĩa "giải quyết vấn đề Việt Nam". Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, phản bác lại luận điệu hòa bình giả hiệu của phía Mỹ đòi Việt Nam thương lượng vô điều kiện. Tháng 1/1967, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII (khóa III) chỉ rõ: "Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường".

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, nghị quyết này đã nâng đấu tranh ngoại giao lên thành mặt trận ngoại giao để phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự, có giá trị như bản cương lĩnh đấu tranh ngoại giao của Đảng ở thời kỳ này.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ đã bị giáng một đòn nặng, không chỉ làm chuyển biến thế trận, đảo lộn chiến lược mà còn làm lung lay ý chí xâm lược. Mỹ hiểu rằng không thể thắng ta bằng chiến tranh. Nếu muốn rút ra khỏi chiến tranh, không có cách nào khác là phải thông qua thương lượng. Vì vậy Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra giữa đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và đoàn đàm phán Mỹ tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber, bắt đầu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao. Giới chuyên gia nhận định, mối tương quan lực lượng trong cuộc đấu trí này là không cân sức, giữa một nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao sừng sỏ trên thế giới.

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc, nguyên cán bộ phiên dịch của đoàn đàm phán VNDCCH cho hay, kinh nghiệm đàm phán của Việt Nam mỏng và đoàn không có chuyên gia luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Mỹ là một cường quốc hạt nhân và chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ nước nào. Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Henry Kissinger, một người gốc Do Thái, từng là giảng viên tại Đại học Harvard danh tiếng. "Một ví dụ đơn giản để so sánh đó là về vấn đề thông tin liên lạc. Họ có thể đàm phán nửa chừng rồi ra ôtô là có thể liên lạc về nước. Còn chúng ta dùng điện đài đánh morse, mã hóa gửi về. Nếu muốn xin chỉ thị trực tiếp từ Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ cũng phải mất 3 ngày đi máy bay từ Paris", nhà ngoại giao Phạm Ngạc kể lại.

Hiệp định Paris được ký kết sau hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn. Ảnh: cecv.edu

Tuy nhiên, dù chưa thể bằng họ về kỹ thuật và vật chất nhưng tinh thần, lập trường và chiến lược của ta thì không hề kém cạnh. Theo TS Nguyễn Đình Luân, nguyên Thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Ngoại giao, với tầm nhìn chiến lược vượt trước, chỉ một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi làm việc với đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Bác Hồ đã căn dặn: "Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ". Do vậy, cuối năm 1960, Bác chỉ đạo thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) và đến năm 1969 thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Một loạt nhân sự chủ chốt cũng được Bác trọng dụng linh hoạt. Năm 1962, đồng chí Nguyễn Thị Bình được điều vào miền Nam giữ chức vụ Ủy viên Trung ương MTDTGPMNVN và tới 1969 là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán CPCMLTCHMNVN tại Hội nghị Paris. Cũng trong năm 1962, Bác cử đồng chí Phùng Thế Tài giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không, yêu cầu nghiên cứu về pháo đài bay B52. Tháng 4/1963-1965, đồng chí Xuân Thủy được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và từ năm 1968 là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH tại Paris. Tháng 4/1965, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh được cử kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao và từ năm 1968 là Thường trực của "Tiểu ban Việt Nam - CP.50" do Bộ Chính trị quyết định thành lập và trực tiếp lãnh đạo. Được biết, CP.50 có nhiệm vụ nghiên cứu các phương án đấu tranh giúp Bộ Chính trị chỉ đạo đàm phán.

Tháng 8/1965, Bí thư Trung ương Đảng Lê Đức Thọ được cử dẫn đầu đoàn đại biểu sang thăm Pháp theo lời mời của Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này có thể coi là một cuộc tiền trạm trước khi ta mở mặt trận ngoại giao. Đối ngoại Đảng đã đi trước một bước. Đến tháng 6/1968, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Cố vấn đặc biệt cho các phái đoàn chính thức của ta tham gia Hội nghị Paris. Như vậy, có thể khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạch định chiến lược và tổ chức bộ máy cán bộ với tầm nhìn xa trông rộng. Đặc biệt, những cán bộ chủ chốt đều có sự thống nhất trong nhận thức.

Và thắng lợi không thể đảo ngược

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, một chứng nhân lịch sử chia sẻ, Hội nghị Paris đặt ra muôn vàn thách thức với ta. Nhưng với việc kiên định nguyên tắc và linh hoạt sách lược, ta đã phát huy điểm mạnh, biến nguy thành cơ. Tại Hội nghị Paris, có một điều cần đặc biệt lưu ý đó là quá trình đàm phán được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một (13/5/1968 - 31/10/1968) là đàm phán hai bên gồm phía VNDCCH và Mỹ. Nhưng tới giai đoạn hai (25/1/1969 - 01/1973), MTDTGPMNVN mà sau đó là CPCMLTCHMNVN và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cùng tham gia. Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, ban đầu, khi ta đặt vấn đề về việc triệu tập hội nghị bốn bên với sự tham gia của MTDTGPMNVN, Mỹ đã rất gay gắt về vai trò của đoàn Mặt trận, rằng Mặt trận là "người của miền Bắc". Nhưng phía ta nêu rõ, Mặt trận là đại diện cho nhân dân miền Nam đang trực tiếp chống xâm lược Mỹ, đương nhiên phải là một bên đàm phán. Còn chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên. Với sự cương quyết của Chính phủ VNDCCH, Mỹ buộc phải chấp nhận.

Tại lễ kỉ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá, đây là thắng lợi chính trị to lớn bước đầu, có ý nghĩa chiến lược. Trên bàn đàm phán, dù VNDCCH và CPCMLTCHMNVN là đại diện hai miền Bắc và Nam, song hai đoàn có chung mục tiêu, tạo nhiều ưu thế để phối hợp đấu tranh trên mặt trận ngoại giao theo sách lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh "tuy hai mà một, tuy một mà hai". Phải khẳng định rằng, mặt trận ngoại giao tuy không tiếng súng nhưng đã đưa tiếng nói của chính nghĩa trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam đến với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ.

Khánh Linh - Linh Chi

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文