Hỗ trợ 156 nạn nhân bị mua bán người, giúp tái hoà nhập với cộng đồng

13:13 26/08/2022

Trong 7 năm qua ( từ 2016- đến tháng 8/2022), lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã điều tra, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ 156 nạn nhân bị mua bán người, giúp họ tái hoà nhập với cộng đồng. 

Ngay sau khi Báo CAND đăng tải loạt bài về “Chung tay chặn đứng tội phạm mua bán người” tại tỉnh Lai Châu, ngày 26/8, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết, cùng với vai trò chủ công của Công an tỉnh Lai Châu, các ban, ngành chức năng của tỉnh Lai Châu đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phòng, chống tội phạm mua bán người cũng như hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân tái hòa nhập với cộng đồng.

Theo đó, trong những năm qua Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thống kê, những nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về địa phương, kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về, thực hiện hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân trở về địa phương theo đúng quy định.

Công an xã Tà Tổng, huyện Mường Tè phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền đến người dân phòng, chống tội phạm mua, bán người.

Từ năm 2016 đến tháng 8/2022, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã điều tra, xác minh, giải cứu, tiếp nhận 156 nạn nhân, trong đó 138 nạn nhân bị lừa bán sang bên Trung Quốc, 18 nạn nhân bị lừa sang Campuchia lao động.

Sau khi được các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải cứu, các nạn nhân có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ đều được bố trí nơi ăn, ở, nghỉ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ quần áo, đồ dùng cá nhân, hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho nạn nhân những điều kiện tốt nhất chuẩn bị trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tùy từng trường hợp, điều kiện cụ thể, việc hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân có thể thực hiện ngay tại Đồn Biên phòng hoặc được lực lượng Biên phòng, Công an đưa về cơ sở hỗ trợ nạn nhân của tỉnh để thực hiện. 

Hiện nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh không có cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyên biệt, tuy nhiên tỉnh Lai Châu đã sử dụng Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh làm cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho các đối tượng trở về địa phương theo quy định. 

Kết quả, 31 đối tượng có nhu cầu được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ, với tổng số tiền 76 triệu đồng; 25 trường hợp được tỉnh phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ; 1 trường hợp được Công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, trợ giúp...Các trường hợp còn lại sau khi về địa phương không có đề nghị trợ giúp, hỗ trợ, giúp đỡ, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn luôn quan tâm, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hỗ trợ khi họ có yêu cầu.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Thủy, việc phối hợp giữa các ngành, địa phương, tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân nói riêng trên địa bàn tỉnh Lai Châu được quan tâm thực hiện thống nhất, đồng bộ. Theo đó, từ khâu tiếp nhận tin báo, xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng luôn có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, chính quyền cấp cơ sở.

Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu đối với các nạn nhân bị mua bán trong các vụ án hoặc nghi bị mua bán; những nạn nhân được giải cứu, trao trả song phương qua cửa khẩu biên giới để phối hợp tiếp nhận; thực hiện công tác bảo vệ và xác minh, xác định nạn nhân chuyển tuyến vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hoặc đưa về gia đình theo nguyện vọng của nạn nhân để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định không để trường hợp nào sang chấn về tâm lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng tuyên truyền về tệ nạn mua bán người tại các đơn vị trường học, trường nghề; nâng cao ý thức cảnh giác của các em học sinh trước âm mưu, thủ đoạn của đối tượng mua bán người; giáo dục kỹ năng sống cho các em biết cách tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội.

UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa phương; hỗ trợ khó khăn ban đầu như hỗ trợ học nghề, hỗ trợ học văn hóa; huy động các nguồn lực ở địa phương, lồng ghép với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để giúp nạn nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận, bố trí nơi ăn ở, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ quần áo, đồ dùng cá nhân, hỗ trợ tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý theo quy định của pháp luật.

Do thực hiện tốt công tác phối hợp với các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ, giải cứu nạn nhân, bắt giữ đối tượng nên trong những năm qua không có trường hợp người bị mua bán trở về bị bỏ rơi, hay không được quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ.

Bà Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết, đơn vị kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá thực trạng chính sách pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân, đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân bị mua bán trở về làm cơ sở tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, ban hành khung định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn các địa phương thí điểm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng.

Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong đó xây dựng nhà tạm lánh tại khu vực biên giới để hỗ trợ tạm thời cho các nạn nhân khi trở về trong đêm hoặc làm các thủ tục hỗ trợ ban đầu trước khi trở về cộng đồng…

Hoàng Phong

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文