Hội Nhà báo Việt Nam đề ra nhiều nội dung công tác báo chí trọng tâm
Chiều 16/5, tại TP Thanh Hóa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội năm 2021, triển khai công tác năm 2022.
Năm qua, ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương tổ chức được 7 giải báo chí chuyên ngành: Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ III-Năm 2020-2021; Giải Báo chỉ toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” lần thứ VI năm 2021; Giải Báo chí toàn quốc về Phòng chống thiên tai lần thứ hai; Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021; Giải Báo chí toàn quốc về công tác dân số năm 2021; Giải Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021; Giải Báo chí toàn quốc “Vì sức khỏe nhân dân” lần thứ nhất; phối hợp với tổ chức OXFAM tổ chức 3 khóa tập huấn nghiệp vụ online; chủ trì biên tập và xuất bản 3 cuốn sách; tham gia soạn thảo Báo cáo chính trị và một số tài liệu Đại hội XI và hoàn thành các công việc chuyên môn đột xuất do Thường trực Hội giao. Được lãnh đạo, các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí và các cấp Hội đánh giá cao.
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được 112 lớp học, nhiều hơn so với năm trước (105 lớp), cho 21.219 lượt học viên. Các lớp bồi dưỡng được đánh giá là có sự chuẩn bị chu đáo, đổi mới về nội dung và hình thức, trong đó: 70% số lớp từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, 5% số lớp do tổ chức nước ngoài tài trợ, 25% từ nguồn hợp tác tổ chức trong nước.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Hội Nhà báo đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh, 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý, không có vụ việc nào tồn đọng hoặc khiếu nại; đôn đốc, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội và Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; kịp thời can thiệp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo. Đồng thời, hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp; trong đó có một số vụ việc hội viên, nhà báo bị bắt vì chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản.
Trên cơ sở những kết quả công tác đã đạt được trong năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đó là: Tuyên truyền, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước và giới báo chí. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thủ địch. Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, triển khai Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bội. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Trong năm qua, báo chí đã trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận truyền thông, góp phần quan trọng vào sự thành công của các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, nhiều nhà báo đã xông pha trên tuyến đầu kịp thời có mặt tại các khu cách ly, trong bệnh viện hay vùng xa xôi hẻo lánh để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về dịch bệnh, đóng góp công sức của mình trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam biểu hương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được trong năm 2021.
Thời gian tới, Chủ tịch UBMTTQVN Đỗ Văn Chiến gợi mở Hội Nhà báo Việt Nam một số nội dung công tác: Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai sâu rộng Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng trong hệ thống tổ chức hội một cách có chiều sâu hơn nữa. Đổi mới thực chất công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW, ngày 8/4/2020, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đối với các cấp hội, bằng các hình thức phù hợp, giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo.