Hội thảo khoa học xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Sáng 6/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ và giải pháp”.
Tham dự chủ trì hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành và các nhà khoa học.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết; vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định – TP Hồ Chí Minh; vừa phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhằm mục đích xác định rõ thêm nội dung quan trọng trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từ đó, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố được toàn diện, sâu sắc.
4 nội dung cơ bản được ra thảo luận gồm: Một số quan điểm chung về không gian văn hóa; Phát huy vai trò của Văn hóa - Nghệ thuật trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; Xây dựng không gian Văn hóa Hồ Chí Minh ở cơ sở; Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên báo chí, xuất bản và mạng xã hội.
Tham luận tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là trong năm 2023 này. Thành phố cần sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đầu tư một số điểm nhấn như mở rộng không gian hoạt động Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh; xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm;...
PGS - TS Nguyễn Quốc Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II cho rằng, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một không gian văn hóa mà con người ở đó phải năng động, sáng tạo. Cái tên TP Hồ Chí Minh đã là văn hóa. Để xây dựng thành công, cần có sự chung tay của người dân. Chính quyền phải gìn giữ và quyết liệt tạo thêm không gian này cho người dân, nhưng chính người dân mới là người tạo nên cái hồn cho không gian văn hóa mang tên Bác.
TP Hồ Chí Minh hiện có 2.906 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở tôn giáo… Thành phố cũng tổ chức hơn 22.000 cuộc triển lãm ảnh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có nhiều tấm gương học tập theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương, khen thưởng.