Họp báo Chính phủ “nóng” về bão số 3

17:18 07/09/2024

Nhiều câu hỏi liên quan bão số 3 và công tác phòng, chống được nêu tại buổi họp báo Chính phủ tổ chức chiều nay, 7/9. 

"Người dân không nên đi ra đường khi bão đổ bộ"

Tại họp báo, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cung cấp cho báo chí thông tin mới nhất về tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó, giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại.

Theo đó, bão số 3 đạt cường độ cấp 16 trên Biển Đông; tối 6/9, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh cấp 14, giật cấp 17. Hồi 13h ngày 7/9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Gió thực đo lúc 13h ngày 7/9 tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) cấp 7, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo.

Về lượng mưa, từ 7h đến 13h ngày 7/9, đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127 mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123 mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198 mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208 mm.

"Dự báo, chiều và đêm 7/9, bão số 3 sẽ di chuyển vào đất liền. Đến 1h ngày 8/9, đạt cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ. Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Công điện chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão", ông nói.

Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Hà Tĩnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban 2 công điện, văn bản chỉ đạo sớm từ ngày 2/9 khi bão còn ở phía đông Philippines. Chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã họp trực tuyến với các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố ven biển. Ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ, 2 Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo tại Quảng Ninh...

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về cơn bão số 3.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đã kịp thời cung cấp các bản tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với bão. Các cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên cung cấp thông tin và đã xuống tận hiện trường kịp thời đưa tin, phản ánh thực trạng công tác triển khai ứng phó với bão tại địa phương. Hiện nay, đội ngũ phóng viên ở các tỉnh rất đông, đưa tin kịp thời giúp người dân nắm bắt các thông tin.

Về thiệt hại, đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 1 người tại Hải Dương bị thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường; 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng. "Hiện nay chưa thể thống kê được, vì ở Quảng Ninh hiện tại không ai ra đường. Trao đổi qua điện thoại, Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng mai, mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này", ông thông tin.

Sáng mai bão di chuyển, đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội tiếp tục bị mưa lớn ảnh hưởng. Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng, chống thiên tai rất mong cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục thông tin rộng rãi đến các địa phương để kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện nghiêm túc 3 công điện của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động xử lý các tình huống sát với thực tiễn... "Chúng tôi lưu ý người dân không nên ra đường khi bão đổ bộ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng", ông khuyến cáo.

Trưa 8/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm thông tin thêm về tình hình cơn bão số 3 tại họp báo.

Bổ sung một số thông tin về cơn bão số 3, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đầu giờ chiều 7/9, bão số 3 đã có dấu hiệu suy yếu, gió tại Bãi Cháy lúc 15h đã giảm còn cấp 8, hướng bão vào đất liền tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, các khu vực xa xôi trong đất liền như Hà Nội mặc dù có gió và mưa, cây đổ nhiều nhưng chưa phải lúc bão mạnh nhất.

Ông dự báo thời gian gió mạnh tại một số địa phương như sau: Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau đó giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.

Vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… mưa còn kéo dài hết đêm 7/9 và khoảng tầm 4h ngày 8/9, sau đó mưa và gió sẽ giảm nên sáng 8/9 là an toàn. "Đối với khu vực sâu hơn một chút như Hà Nội, gió bắt đầu lặng từ 1h ngày 8/9 nhưng mưa có thể kéo dài đến 8-9h cùng ngày. Trưa 8/9, khu vực TP Hà Nội tương đối an toàn", ông cho hay.

Đối với khu vực Trung du miền núi như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình mưa sẽ muộn hơn. Từ 19h ngày 7/9 mưa sẽ tăng, cả ngày 8/9 mưa sẽ nặng hơn. Ngày 8/9 mưa chỉ tập trung ở Trung du miền núi nên nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao. Đợt mưa này sẽ chấm dứt nhanh ở Đông Bắc Bộ (Hà Nội). Tuy nhiên có khả năng kéo dài ở khu vực phía Tây. Miền núi và Trung du mưa lớn, thời gian mưa còn kéo dài đến ngày 9/9-10/9 mới kết thúc...

Quỳnh Vinh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文