Khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm

14:52 09/05/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh, lẩn tránh trách nhiệm, sợ sai không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm, cấp dưới đùn đẩy lên cấp trên.

Sáng 9/5, Phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

Năm 2022 không đạt 2/15 chỉ tiêu

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, thách thức vây quanh là rất lớn, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát, đồng hành và phối hợp của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ..., nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội...

"Điều này phản ánh sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong những tháng cuối năm để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022" - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh đó có 2/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 1 chỉ tiêu không đạt) do có thêm chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 25,7-25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế (UBKT) cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ, đáng chú ý, 2 chỉ tiêu không đạt đều là các là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng. UBKT đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu hơn về tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2022 giảm tốc mạnh; xuất, nhập khẩu chững lại, tốc độ tăng chậm dần vào cuối năm; thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng; hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng mặc dù khôi phục mạnh mẽ nhưng vẫn còn thấp hơn xu hướng thông thường.

Cùng với đó, thị trường tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống. Đầu tháng 10/2022, sự kiện Tập đoàn An Đông và một số lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cụ thể là có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu cùng với các tin đồn trên mạng đã khiến người dân xếp hàng để rút tiền khỏi Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng như yêu cầu ngân hàng này mua lại trái phiếu.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

"Khi sự cố SCB và cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra, thanh khoản của hệ thống ngân hàng một số thời điểm có dấu hiệu căng thẳng cục bộ, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ. Một số ý kiến cho rằng, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề rất đáng lo và đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nêu.

Dòng tiền còn nghẽn, doanh nghiệp và người dân "sức cùng lực kiệt"

Qua thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá: "Tôi có cảm giác báo cáo rất nhiều màu hồng, phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân không rõ", đồng thời đề nghị báo cáo cần đánh giá thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Đầu năm 2023, báo cáo đánh giá là có chuyển biến tích cực trong trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. "Tuy nhiên, qua đi khảo sát, làm việc với các đơn vị thì dòng tiền vẫn còn nghẽn đâu đó. Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng, là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại, từ đó đánh giá cho đúng", ông thẳng thắn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại phiên họp.

Cho rằng, vấn đề nội tại bên trong của nền kinh tế chưa được xử lý, như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế vào sự tác động lớn của bên ngoài..., Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nếu bên trong tốt sẽ làm giảm thiểu sự tác động bên ngoài. "Doanh nghiệp, người dân bị bào mòn, "sức cùng lực kiệt". Tôi đi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp nói rất thẳng thắn điều này, người ta đã dùng hết những đồng tiền cuối cùng dự trữ trong 2 năm chống dịch vừa rồi, giờ không còn dư địa gì nữa", Phó Chủ tịch Quốc hội đề cập.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, vai trò của Nhà nước, cụ thể ở đây là vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các nguyên tắc, giải pháp hữu hiệu của Nhà nước về kinh tế, "bàn tay vô hình" của Nhà nước lúc này rất cần thiết trong dẫn dắt, hỗ trợ, làm "bệ đỡ" giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Cần có kịch bản phản ứng chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu phức tạp khó lường của thực tiễn; phối hợp điều hành linh hoạt chính sách tài khoá, tiền tệ; giải pháp trọng tâm trọng điểm giúp đỡ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường trái phiếu, bất động sản; quan tâm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp.

"Vừa rồi Chính phủ có Công điện 280, cần bổ sung vào báo cáo này việc làm rõ nơi nào tiến bộ, nơi nào đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm thì phải xử lý. Tôi cũng mong thời gian tới sẽ xử lý một số trường hợp né tránh, đùn đẩy trong công việc để giải quyết tình trạng cầm chừng, sợ trách nhiệm đang ngày càng phổ biến tại các ngành, địa phương hiện nay, tránh tình trạng chỉ ra chung chung.", Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước có những bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ toàn diện và hiệu quả hơn; tuy nhiên, tình trạng sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn xảy ra, gây bức xúc dư luận như: chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm.... "Có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm", bà nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp.

Liên quan vấn đề này, cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần tập trung cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ,  khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh, lẩn tránh trách nhiệm, sợ sai không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm, cấp dưới đùn đẩy lên cấp trên. Đồng tình với ý kiến nhận xét các báo cáo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần phải ngắn gọn, khái quát, sát thực và khách quan hơn.

Trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần nhấn mạnh những điểm sáng: kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được, các cân đối lớn cơ bản của nền kinh tế vẫn đảm bảo, nông nghiệp tăng trưởng khá cao, tổng mức bán lẻ tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng nhiều so với 4 tháng đầu năm 2019 - thời điểm trước khi có dịch). Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận, như: chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường...

"Các thị trường còn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn. Cần phân tích cho rõ nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, chứ không chỉ đơn thuần thống kê số liệu, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tăng trưởng 6,5% là rất khó

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận khó khăn nội tại là tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến đá bóng lên trên, đùn đẩy, không làm gì, dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc.

"Vấn đề thứ hai là khó khăn của doanh nghiệp: về dòng tiền, nguyên nhân là điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản - rất đáng lo ngại, người mua toàn là nước ngoài, đây là câu chuyện chúng tôi từng cảnh báo nhiều về sự thâu tóm của nước ngoài", ông nói. Tiếp đó, các thủ tục đầu tư rườm rà, mất thời gian; môi trường đầu tư rất kém; phát sinh hàng ngàn thủ tục mới làm cản trở, ách tắc toàn bộ nền kinh tế.

Nhấn mạnh tăng trưởng tháng 4 đang có dấu hiệu phục hồi tốt, tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất đáng lo ngại, vì muốn cả năm đạt 6,5% thì những tháng về sau phải tăng trưởng rất cao, khoảng 8%, và đây là vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ rà soát, hoàn chỉnh lại báo cáo cho sâu sát hơn, phản ánh đúng tình hình hơn.

Quỳnh Vinh

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文