Khắc phục tình trạng thông đồng, "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản

12:13 15/08/2023

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sáng 15/8, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, Báo cáo 255 của Bộ Tư pháp gửi ĐBQH nêu hạn chế, bất cập, như trong hoạt động đấu giá tài sản, từ đó đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian qua có bao nhiêu đấu giá viên vi phạm, phải xử lý; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp phòng ngừa vi phạm?

Hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, thực tế thời gian qua có những hành vi vi phạm như thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ"; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế. "Trong giai đoạn 2018-2022, có 142 cuộc thanh tra đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên như ở Đông Anh, Hà Nội", Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn chứng.

ĐBQH Ma Thị Thuý đặt câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá theo hướng siết chặt một số quy định để tránh thông đồng, dìm giá; tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá, phát triển đấu giá trực tuyến...

Cũng liên quan tình trạng đấu giá viên thông đồng, "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra một số nơi, làm thất thoát tài sản Nhà nước, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân, giải pháp khắc phục để hoạt động đấu giá được công tâm?

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, chúng ta cũng xác định rõ các việc, nếu thông đồng để trục lợi, có dấu hiệu hình sự, kể cả đẩy lên quá cao một cách bất thường tiền đặt trước hoặc giảm một cách bất hợp lý tiền đặt trước thì ngoài xử lý theo pháp luật về đấu giá tài sản, cần xử lý theo pháp luật chuyên ngành nữa, chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai.

"Còn nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự thì vừa rồi như vụ Thủ Thiêm chúng ta đã xử lý hình sự. Rõ ràng câu chuyện đẩy tiền đặt trước lên bất hợp lý là có dấu hiệu hình sự", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời câu hỏi của đại biểu.

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) về tình trạng không ít vụ án tham nhũng, tiêu cực chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi do hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm, còn tâm lý né trách, đùn đẩy, chất lượng giám định chưa cao..., Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề trực tiếp triển khai các chỉ đạo cụ thể của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về vấn đề này. Như, vấn đề bổ nhiệm giám định viên; thời hạn giám định, cần phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp giám định bắt buộc...

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xem xét, sửa đổi khoản 1, Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để kéo dài thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp sau này phát hiện chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định theo Nghị quyết 49; làm rõ các vấn đề về kinh phí, chi phí, trách nhiệm trưng cầu giám định của các giám định viên.

Chậm ban hành văn bản có thể lượng hoá được

Bên cạnh đó, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật chậm đi vào cuộc sống thì có lượng hoá được không và xử lý như thế nào? ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn giải pháp kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy? ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) hỏi Bộ trưởng về chế tài xử lý, kiểm soát việc lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm vào các văn bản pháp luật, bởi đó cũng là một dạng tham nhũng?

ĐBQH Tô Văn Tám chất vấn tại hội trường.

"Tôi nghĩ, việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật là lượng hoá được, và việc gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng quyền và lợi ích của người dân hay không thì là có. Quốc hội khoá trước đã nêu một số văn bản, nghị định vì chậm mà không thu được một số khoản tiền sử dụng... Như vậy, chúng ta lượng hoá được, thậm chí tôi nhớ ĐBQH Trần Thị Dung lúc đó còn tính ra tiền là bao nhiêu" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chính phủ, các bộ, ngành và bản thân Bộ Tư pháp đều ý thức được điều đó. Từ đó có những giải pháp tổng thể, cụ thể từ ban hành văn bản, cho đến thiết kế các dự án luật sao cho khả thi, phù hợp, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn. Ngoài ra, khi Đảng siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tham mưu xây dựng, ban hành thể chế thì ông kỳ vọng sẽ thiết kế sao cho không làm chùn tay lực lượng thực thi công vụ, song đây cũng là một công cụ có hiệu quả, tính hiệu lực cao hơn.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương đặt câu hỏi tại điểm cầu An Giang.

Về chất vấn của ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, cơ quan hành pháp có nhiều biện pháp, trong đó Chính phủ phải báo cáo giải trình, cử các thành viên trả lời chất vấn, trả lời bằng báo cáo, giám sát của các ĐBQH, các Uỷ ban, Hội đồng Dân tộc...

Bản thân trong Chính phủ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là những thiết chế đã được hiến định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. "Nhiều khi, để ban hành nghị định nọ, thông tư kia, một số cơ quan tham mưu từ những lợi ích để bảo vệ ngành, hoặc ban hành những văn bản chưa chính xác, thì đã có những công cụ thể hiện vai trò của Thủ tướng Chính phủ trong động viên, đôn đốc hoặc xem xét, xử lý kỷ luật các chủ thể ban hành, thực hiện văn bản không đúng thẩm quyền. Sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán... cũng là cảnh tỉnh cho các bộ, ngành, cơ quan, trong đó có Bộ Tư pháp ý thức hơn nhiệm vụ của mình, phải "đúng vai, thuộc bài" như Tổng Bí thư từng lưu ý", Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa rồi, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126 về một số biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật - một văn bản pháp luật hết sức cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh bây giờ.

Toàn cảnh hội trường.

Về vấn đề chế tài, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, nên tính để thực hiện nghiêm những quy định trong lĩnh vực công chức, công vụ, cụ thể hoá các yếu tố để xem xét xử lý kỷ luật, ví dụ phải hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ...

"Chậm hoặc thực hiện không đúng quy định, chức trách về công vụ của mình thì ngoài ảnh hưởng đến uy tín, không bầu, không đề xuất thăng quan tiến chức... cần nhấn mạnh hơn kỷ luật công chức, công vụ. Trong đó có công bố đầy đủ thông tin, khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cho thôi chức vụ. Một số trường hợp vừa rồi đã và đang bước đầu xử lý", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Về chế tài hình sự, Bộ trưởng khẳng định, thông qua một số vụ việc điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, bước đầu đã có những phân tích vi phạm mà có lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, như thẩm quyền không đúng, ban hành gấp gáp, chính sách ban đầu đáng lẽ thế này nhưng sau lại ra thế kia... Trong một số vụ việc cụ thể đã thấy có tình hình này, có thể xử lý hình sự nếu đủ dấu hiệu, còn hướng khác là xử lý theo kỷ luật của Đảng...

Quỳnh Vinh

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文