Khắc phục tồn tại và những hệ lụy do dịch bệnh để lại
Góp ý, thảo luận và chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiều đại biểu đã nêu ra những tồn tại, hạn chế của thành phố cùng những hệ lụy do dịch bệnh để lại và đề nghị UBND thành phố nêu ra các giải pháp khắc phục. Nhiều đại biểu băn khoăn với tỷ lệ nhân viên y tế trên 1 vạn dân, đội ngũ y tế cơ sở còn mỏng…
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế đã đề xuất UBND thành phố các giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở. Theo quy định về định biên cho y tế cơ sở thì mỗi trạm y tế chỉ có tối thiểu là 5 và tối đa là 10 nhân viên y tế. Số lượng này ở những phường, xã có 20-30 nghìn dân còn đảm bảo; nhưng với phường, xã có 100-130 nghìn dân, đội ngũ y tế trên là khá mỏng. Hiện thành phố đang cần khoảng 4.100 nhân viên y tế cho tuyến cơ sở.
Từ thực tế trên, ông Thượng đề nghị Trung ương cần định biên đội ngũ y tế cơ sở theo quy mô dân số; thành phố có chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhân viên ở các trạm y tế ở mức 4 triệu đồng/người/tháng để thu hút đội ngũ y tế về cơ sở. Hiện Sở Y tế đã thống nhất với các trường đại học để đề xuất cơ chế đưa bác sỹ mới tốt nghiệp về y tế cơ sở thực hành 12 tháng sau khi đã trải qua 6 tháng ở bệnh viện tuyến thành phố hoặc quận, huyện trước khi cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, thành phố cần hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho đội ngũ bác sỹ trong thời gian xuống cơ sở với mức khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Một số đại biểu cũng đề nghị thành phố cần chỉ đạo các quận, huyện việc điều chỉnh nhân sự ở những phường, xã có 20-30 nghìn dân sang những phường, xã đông dân, tránh quá tải và bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn mà không làm tăng tổng định biên.
Về vấn đề giải quyết chỗ ở cho công nhân, người lao động các địa phương khác đến thành phố sinh sống, làm việc, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thành phố đã đưa ra chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu xây dựng 366.510 căn nhà, tương đương với 50 triệu m2 sàn với 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội (NOXH). Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 612 nghìn m2 sàn nhà ở phục vụ cho công nhân, người lao động. Thực hiện mục tiêu trên, thành phố đã rà soát 23 dự án có quỹ đất để điều tiết xây dựng NOXH; quỹ đất ở các quận, huyện ngoại thành gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để điều chỉnh đầu tư xây dựng NOXH cho công nhân, người lao động.
Ông Quân cho biết, hiện Sở Xây dựng đã trình phương án chi tiết để triển khai ở huyện Bình Chánh, sau đó nhân rộng ra ở TP Thủ Đức và một số nơi khác. Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hồ Chí Minh phấn đấu giải quyết được chỗ ở cho hơn 243.000 công nhân. Trong đó NOXH là 27.301 căn, tương ứng với 82.422 chỗ ở; nhà trọ do người dân tự xây là 40.000 phòng, tương ứng với 160.000 chỗ ở.
Trước mắt, TP Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, thống kê được khoảng 60.000 chủ nhà trọ với khoảng 560.000 phòng trọ. Có đến 30% căn nhà trọ chưa đảm bảo tiêu chí về PCCC. Do đó, các địa phương đã thống nhất đề xuất với thành phố có chính sách chung để hỗ trợ nhà trọ trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xây dựng, triển khai 4 nhóm giải pháp, gồm hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ về tổ chức sản xuất kinh doanh; giảm các chi phí trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; mở rộng, gia nhập lại thị trường cũng như quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Với những dự án đang tồn đọng, tổ giải quyết khó khăn vướng mắc trong đầu tư của thành phố sẽ tập trung phân nhóm các dự án để xử lý. Thời gian qua mỗi tuần UBND thành phố giải quyết được từ 7-10 hồ sơ của doanh nghiệp tư nhân.
Với nhóm dự án của thành phố, tổ công tác sẽ đề xuất các hướng hợp tác đầu tư để đưa ra mời gọi đầu tư. Để giải quyết bài toán biên chế y tế, ông Mãi cho biết thành phố đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế và thống nhất việc triển khai đề án thí điểm xây dựng, tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Ngoài trạm y tế cơ hữu, thành phố sẽ huy động các đơn vị tư nhân, lực lượng nhân viên y tế nghỉ hưu… để đảm bảo vận hành ngay các trạm y tế lưu động. Với giải pháp này, ở các xã, phường có dân số đông sẽ có thể lập nhiều trạm y tế lưu động để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Trước lo lắng của cử tri về vấn đề tín dụng đen hoành hành sau dịch bệnh, ông Mãi khẳng định: Bên cạnh việc kết nối, mở rộng các gói tín dụng của ngân hàng đến người dân thì việc tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng để người dân tránh sa vào “bẫy” tín dụng “đen” là rất quan trọng.
Ông Mãi cũng nhìn nhận, sau dịch bệnh đời sống khó khăn nên tội phạm rất dễ phát sinh. Thành phố đã chỉ đạo chính quyền sơ sở và lực lượng Công an tăng cường chủ động phòng ngừa, xây dựng triển khai các giải pháp để triệt xóa tội phạm. Đánh giá cao vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, ông Mãi khẳng định hệ thống chính trị và lực lượng Công an cơ sở đã gần dân, nắm địa bàn, hiểu và kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc của người dân ngay từ cơ sở. Việc này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.