Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hoá Việt Nam năm 2021
Tối 18/11, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hoá Việt Nam năm 2021 đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trang trọng tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.
Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội… đã đến dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã tập hợp, đoàn kết dưới lá cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Cũng theo đồng chí Vương Đình Huệ, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng ta, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam, góp phần tạo nên sức mạnh, động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Trong suốt 91 năm hình thành và phát triển, MTTQ Việt Nam đã tập hợp và đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất, góp phần hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc được tổ chức thường niên tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, quy tụ những nét văn hoá đặc trưng, cơ bản nhất của 54 dân tộc anh em, có ý nghĩa sâu sắc hưởng ứng Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Đối với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc giới thiệu các nét đẹp văn hoá truyền thống, lan toả các giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành, các tổ chức cơ quan, đoàn thể tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, chung sức đồng lòng bảo vệ sức khoẻ nhân dân, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất; đẩy mạnh cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc, đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam là hoạt động thiết thực do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021), 76 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1944 - 23/11/2021), hướng tới Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; là ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc của dân tộc mình, đồng thời tổng kết một năm hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Diễn ra từ ngày 18-23/11 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Tuần Đại đoàn kết bao gồm nhiều hoạt động. Trong đó, chương trình nghệ thuật chủ đề “Bình minh đất Việt” gồm 3 chương chính: Bình minh trên bản, Vang vọng hồn thiêng sông núi, Miền đất câu hò điệu ví. Chương trình được dàn dựng hoành tráng, công phu với các phần diễn trong chương trình được xây dựng theo thể liên hoàn, phức điệu, dưới các hình thức diễn xướng ca, múa, nhạc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, có lời bình dẫn nối các chương.
Tham gia chương trình nghệ thuật đêm khai mạc có 11 đoàn, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trường đào tạo nghệ thuật, 100 nghệ nhân đến từ Bình Thuận và 100 nghệ nhân đang sinh sống tại Làng. Khán giả có dịp được xem nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn.
Sau lễ khai mạc, tại Làng còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác dành cho du khách. Hàng trăm đồng bào sẽ cùng tái hiện đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, biểu diễn dân ca dân vũ, ẩm thực truyền thống của các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Thái, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, Xơ Đăng. Trong khuôn khổ sự kiện còn có ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân” của các nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng; giao lưu, diễn tấu “Hoa đất Mường”; không gian tái hiện văn hoá sông nước miền Tây sông nước; trình diễn Mo Mường và nhiều hoạt động văn hoá, triển lãm khác.