Khi xảy ra rủi ro, ngân hàng chờ Nhà nước “gánh” là không ổn

16:44 05/06/2023

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí đề cập tình trạng có những ngân hàng chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của một doanh nghiệp làm chủ. Khi xảy ra rủi ro thì không phải chịu trách nhiệm, mà Nhà nước lại cứ phải "gánh".

Chưa quy định trách nhiệm, các tổ chức tín dụng sẽ ỷ lại

Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay, thị trường ngân hàng, tín dụng hoạt động còn nhiều bất cập, chưa lành mạnh; có tình trạng sở hữu chéo, vi phạm pháp luật. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa rồi còn quá nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán phát triển trồi sụt, chưa ổn định. Ngoài ra, thị trường ngân hàng thương mại chưa đong góp vai trò là kênh dẫn dắt vốn quan trọng của nền kinh tế...

"Do đó, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ giúp sửa đổi, bổ sung, khắc phục được những bất cập, thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh", ông khẳng định.

ĐBQH Dương Ngọc Hải.

Góp ý cụ thể vào dự thảo luận, đại biểu đề nghị bổ sung một số hành vi cấm, nổi lên gây bức xúc dư luận trong thời gian qua như: môi giới trái phiếu không đúng pháp luật; lôi kéo, ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để đủ điều kiện vay vốn...

Ông phân tích thêm, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, chưa phải kênh cấp vốn cho thị trường. Ngân hàng vẫn đang là kênh cấp vốn cho nền kinh tế. Nếu quy định mức dư nợ tín dụng quá thấp sẽ là điều bất cập. Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng để phục hồi sau đại dịch. Nếu luật có hiệu lực, hạn mức tín dụng kéo xuống sẽ làm kinh tế khó khăn hơn; thu hút FDI bị ảnh hưởng vì rất nhiều doanh nghiệp đang vay vốn trong nước.

Về biện pháp can thiệp khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, ĐBQH Dương Ngọc Hải khẳng định đồng tình, vì điều này là cần thiết để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông đánh giá các biện pháp hiện nay chủ yếu đến từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà chưa thấy các giải pháp tự thân từ trong các ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

"Thậm chí, dự thảo luật cũng chưa có biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng để xảy ra vấn đề này. Nếu quy định như thế này sẽ làm các tổ chức tín dụng ỷ lại, có suy nghĩ nếu gặp phải tình huống này NHNN sẽ nhảy vào cứu", đại biểu lo ngại.

ĐBQH Lê Minh Trí.

Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Minh Trí (TP Hồ Chí Minh) đề cập thực tiễn qua thanh tra, kiểm tra các hoạt động ngân hàng thì có tình trạng những ngân hàng chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của một doanh nghiệp làm chủ. Như thế thì nó mất tính đại chúng, "anh chỉ là người huy động, cho vay trong các công ty của hệ sinh thái của mình thôi, dù là huy động tiền của dân".

"Khi rủi ro xảy ra thì NHNN, Nhà nước nhảy ra "gánh" là không ổn. Phải xem xét trách nhiệm như đại biểu Hải nói, nếu không cứ xảy ra thì dùng tiền người dân "gánh". Trách nhiệm khi hoạt động bình thường, có lãi thì không biết, khi xảy ra bất cập thì không phải chịu trách nhiệm, mà chúng ta cứ phải gánh thế này thì không ổn" - ông nhấn mạnh và đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chức năng cho vay đúng nghĩa của một tổ chức tín dụng.

ĐBQH Lê Minh Trí cũng đánh giá chuyện sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này là cần thiết, nhưng để ngăn ngừa, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, phải tính yêu cầu ngăn ngừa, phòng ngừa từ trước để hạn chế, chứ để xảy ra mới xử lý thì chậm. Theo ông, trong Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ cũng nói rất cụ thể, cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa quyền quản trị, điều hành của cổ đông lớn để thao túng hoạt động các tổ chức tín dụng, hạn chế việc chi phối, thâu tóm...

"Yêu cầu này rất đúng, nhưng làm gì và cách làm như thế nào thì luật này phải yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là NHNN cần đề ra những giải pháp có tính khả thi", đại biểu nêu.

"Khâu nhìn xa" còn chậm nên xảy ra rồi phản ứng không kịp

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), hoạt động của các tổ chức tín dụng giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Điều đáng mừng là trong thời gian qua, ở những cú sốc nền kinh tế, ví dụ khủng hoảng tài chính năm 2008, 2009, rất nhiều ngân hàng đổ vỡ trên thế giới, hoặc gần đây, dưới tác động của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ucraina, một số ngân hàng trên thế giới cũng khó khăn, phải tái cấu trúc... nhưng nhìn lại trong nước, hệ thống tổ chức tín dụng của chúng ta dù có vấn đề nhưng đã có giải pháp và ổn định.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân.

Đánh giá cao những luật trước đây chúng ta thông qua, góp phần đảm bảo an ninh hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá cao Chính phủ và hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát lạm phát thời gian qua, đại biểu cũng cho rằng,  giá trị đồng tiền Việt Nam không có những cú sốc như trước đây, tình trạng "đô la hoá" giảm nhiều. Tuy nhiên, một trong những tồn tại hiện nay mà doanh nghiệp bức xúc là lãi suất cao. Mình kiểm soát lạm phát tốt nhưng mặt bằng lãi suất vẫn cao, tức là độ rủi ro hệ thống ngân hàng lớn.

Liên quan vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức tín dụng; quản trị điều hành; quyền cổ đông, hạn chế thao túng hoạt động các tổ chức tín dụng..., ĐBQH Trần Hoàng Ngân đồng tình ý kiến các đại biểu và nhấn mạnh vấn đề can thiệp sớm của NHNN đối với các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, đối với vấn đề ĐBQH Lê Minh Trí nói, đối với các ngân hàng cho vay mang tính chất nội bộ thì cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra.

Đối với Điều 144 - 148 về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng, ông cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận "khâu nhìn xa" còn chậm, lúc xảy ra rồi mới phản ứng thì không kịp. Do đó, cần có những biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật, tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm của đội ngũ thanh tra, kiểm tra đó. Phải đo lường, kiểm soát từ xa bằng những biểu đồ, tính toán kỹ thuật số liệu, tỷ lệ thanh toán, dòng tiền, nợ xấu...; xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo...

Quỳnh Vinh

Thông tin ban đầu xác định, khoảng hơn 18h ngày 16/6, một vụ cháy lớn đã bùng phát tại ngôi nhà kinh doanh thiết bị điện nước trên phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo một số người dân sinh sống tại hiện trường, có một người phụ nữ đã kịp thoát ra ngoài, bên trong có một số người (bao gồm cả trẻ em) mắc kẹt.

Số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội gia tăng trong những tuần gần đây. Sốt xuất huyết trở thành bệnh lưu hành hàng năm, không còn theo chu kỳ 4-5 năm bùng phát một đợt dịch nữa.

Trước thông tin dư luận phản ánh trên mạng xã hội nghi có giám thị coi thi trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm 2024-2025 tại tỉnh Bắc Ninh chụp bài thi của một thí sinh, chiều 15/6, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã đề nghị, phối hợp cơ quan chức năng để xác minh làm rõ thông tin trên.

Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp do Công ty TNHH New City Việt Nam làm chủ đầu tư tại xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên) là một trong những dự án lớn có 100% vốn nước ngoài. Thế nhưng sau gần 16 năm, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) lần đầu, đến nay dự án này vẫn còn trong tình trạng… "đắp chiếu".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文