Không để giá cả "tát nước theo mưa" khi tăng lương, trợ cấp

17:41 26/06/2024

Đưa ra dữ liệu chứng minh đa số lần tăng lương cơ sở thì lạm phát đều giảm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, quan trọng nhất phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, "té nước theo mưa"; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan pháp luật về giá.

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã dành nhiều thời gian xem xét xem, quá trình tăng lương cơ sở tác động như thế nào đến lạm phát. Và 20 năm qua, chúng ta đã 14 lần tăng lương cơ sở, trong đó, đa số khi tăng lương thì lạm phát giảm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường.

"Chẳng hạn, năm 2005 tăng 20,7% lương thì lạm phát giảm từ 9,5% xuống 5,4%; năm 2006 tăng 28,57% lương thì lạm phát giảm từ 7,5% xuống 6,3%; năm 2012 tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống 9,2%; năm 2016 tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%; năm 2023 tăng lương cơ sở 20,8%, lạm phát chỉ còn 3,25%", ông thống kê.

Có hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 2% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011 lương tăng 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Tuy nhiên, hai năm này, việc lạm phát không chỉ do tăng lương cơ sở mà do cả lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng và tỷ giá trong nước tăng.

Khẳng định, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở đến lạm phát, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định tỷ giá; điều chỉnh các giá hàng hoá dịch vụ nhà nước, như giá điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh... giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024. Chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung ứng, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân tham gia góp ý kiến.

"Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, "té nước theo mưa"; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan pháp luật về giá", đại biểu TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Đề cập về cách thức trả lương, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, Nghị quyết 27 của Trung ương có nêu, chúng ta đã cải cách tiền lương 4 lần, mà lần gần nhất là năm 2003. "Nếu chúng ta so sánh nền kinh tế, GDP năm 2003 chỉ khoảng 45 tỷ USD thì hiện nay hơn 450 tỷ USD, nghĩa là tăng khoảng 10 lần. Như vậy, việc cải cách tiền lương cần thiết", ông đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề là cải cách như thế nào? Báo cáo Chính phủ nêu, chúng ta chỉ tích trữ 913.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế như thế này, nhưng nếu chúng ta có cách nào đó quy tiền lương của khu vực công như các doanh nghiệp Nhà nước, theo tỷ lệ GDP, lập công thức, sau đó cứ GDP tăng tới chừng nào thì chúng ta tăng lương. Rõ ràng, việc cán bộ công chức quản lý nền kinh tế 45 tỷ USD và 450 tỷ USD là rất khác nhau. Nếu tiền lương chuyển sang cách để chống lạm phát và đảm bảo đời sống thì có thể làm theo công thức như vậy.

Đại biểu Tạ Văn Hạ tham gia thảo luận.

"Vì khi làm khu vực công, ngoài tự hào vị trí xã hội thì người ta phải yên tâm thu nhập thì mới cống hiến và đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Khi đó lương đủ lớn, đủ để trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng với đóng góp, GDP tăng trưởng thì người ta sẽ không muốn tham nhũng, thấy e ngại khi dính vào tham nhũng vì sẽ có thể mất đi thu nhập rất lớn", đại biểu phân tích và khẳng định, để cải cách một cách toàn diện phải đưa ra công thức tính và căn cứ GDP hàng năm. Về lâu dài phải làm như thế mới căn cơ và cũng đỡ vất vả câu chuyện phải đi tích trữ nguồn ngân sách để tăng lương...

Cơ bản thống nhất với nội dung cải cách tiền lương, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị, bên cạnh đó phải quan tâm việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Trước khi tăng lương, giá cả đã tăng trước một đoạn, cần có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng; chống việc lợi dụng tăng lương để tăng giá. "Khi lương tăng, thuế giảm trừ gia cảnh cũng cần nghiên cứu, vì mức sống tăng lên, đắt đỏ hơn, giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30-50%", ông góp ý.

Quỳnh Vinh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文