Kiến nghị ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải bỏ tiền ra để phục hồi

11:38 07/01/2025

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu nhấn mạnh, lâu nay trong các nghị quyết và pháp luật về bảo vệ môi trường đã nói rất nhiều về việc “Ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải bỏ tiền ra để phục hồi môi trường. Anh thải ra 100m3 nước thải phải trả phí xử lý 100m3 nước thải đó".

Sáng 7/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2024 và các thời kỳ trước và sau có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Trình bày tóm tắt một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, nội dung giám sát tập trung vào các nội dung như: việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường; đánh giá kết quả xây dựng, ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; việc lập và thẩm định Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia; đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cơ bản đồng tình với kế hoạch của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất “nóng”, rất “trúng” và “đúng”, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân về bảo vệ môi trường. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường cho giai đoạn 2021 - 2025 như: tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của khu dân cư thành thị 95 - 100% và của khu vực nông thôn là 93 - 95%; tỷ tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90% hay tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có khu xử lý chất thải chung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình giám sát, cần tìm cho được những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý dứt điểm những hiện tượng “nóng” về môi trường ở địa phương, cơ sở, nhất là những vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, nghiêm trọng hơn là ở các khu đô thị, vấn đề xử lý rác thải y tế... “Từ chuyên đề giám sát này, Đoàn giám sát cần đề xuất được những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật về môi trường; nêu cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trung ương và ở địa phương” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. 

Đề cập tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị có đánh giá tổng thể vì “mình cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể là từ đâu” và cho rằng, đoàn giám sát cần rà soát nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào. Bên cạnh đó là kiểm soát bụi xây dựng; đốt rác thải, vật liệu nông nghiệp. 

“Cơ quan chuyên môn cần khơi ra, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp. Như ở Bắc Kinh, có thời gian ô nhiễm nặng nề nhưng sau khi chuyển hết công nghiệp ra khỏi khu vực ngoại vi, tổ chức lại cây xanh, giờ đây Bắc Kinh có ai nói ô nhiễm nữa đâu!” - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nói.

Cho ý kiến về kế hoạch này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, việc xử lý rác thải điện tử, pin năng lượng rất cần được dự báo và có giải pháp xử lý sớm vì có thể trở thành thách thức nan giải trong tương lai. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu nhấn mạnh, lâu nay trong các nghị quyết và pháp luật về bảo vệ môi trường đã nói rất nhiều về việc “Ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải bỏ tiền ra để phục hồi môi trường. Anh thải ra 100m3 nước thải phải trả phí xử lý 100m3 nước thải đó. Việc giám sát ở các địa phương phải chú ý đặc thù của từng địa phương để có kế hoạch khác nhau, ví dụ như với Hà Nội, ô nhiễm không khí đang rất bức xúc thì tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi ý và cho rằng, sau giám sát, Đoàn giám sát cần nghiên cứu, đề xuất được chính sách về vấn đề này.

Thu Thuỷ

Greenland có thể trở thành một quốc gia độc lập nếu người dân muốn, nhưng không thể trở thành một tiểu bang của Mỹ, Ngoại trưởng Đan Mạch nhấn mạnh sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo gần Bắc Cực này.

Thành công của thể thao Việt Nam trong thời gian qua nhờ sự đóng góp của các VĐV nhập tịch hoàn toàn gốc nước ngoài và VĐV gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam làm việc có thể sẽ thúc đẩy thêm cách chọn lựa nhân sự của nhiều đội tuyển quốc gia. Dù thế nào thì hệ thống đào tạo trẻ trong nước vẫn cần được giữ vững, xem trọng.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文