Kiến nghị xây dựng Tượng đài chiến thắng Đáp Cầu
Trong trận chiến đấu bảo vệ cầu Đáp Cầu ngày 17/10/1967, cụm phòng không bảo vệ thị xã Bắc Ninh (trong đó có trận địa tại đồi Pháo Thủ, nay thuộc phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nòng cốt là Tiểu đoàn 18 khai hỏa chính xác, bắn rơi 5 máy bay F-105D của không lực Hoa Kỳ, có 4 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 4 giặc lái. Trận đánh này đã được ghi vào danh sách 10 trận tiêu biểu nhất lịch sử Quân chủng Phòng không- Không quân Việt Nam…
Ngày 16/10 tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Ban Liên lạc bạn chiến đấu Lữ đoàn pháo phòng không 226 và Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế Phượng Hoàng đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đáp Cầu (17/10/1967 – 17/10/2022). Đến dự và chúc mừng các cựu chiến binh (CCB), có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tập đoàn quốc tế Phượng Hoàng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, nguyên Trưởng Phòng Công tác chính trị Công an TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có sự hiện diện của hơn 70 CCB Lữ đoàn 226 cùng 74 thân nhân của các liệt sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu tại đồi Pháo Thủ trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ.
Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn đã tặng lẵng hoa và gửi lời chúc sức khỏe đến các CCB và 74 thân nhân liệt sỹ tham dự buổi gặp mặt.
Các CCB xúc động ôn lại kỉ niệm về những năm tháng hào hùng, đặc biệt là trận đánh ngày 17/10/1967 đã đi vào lịch sử. Đại tá Trịnh Vinh Pha, Trưởng Ban liên lạc bạn chiến đấu Lữ đoàn 226 kể lại, cầu Đáp Cầu nằm trên Quốc lộ 1, nối đường bộ và đường sắt qua sông Cầu. Đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, vũ khí, khí tài từ phía Bắc chi viện chiến trường miền Nam. Do vậy cầu Đáp Cầu là mục tiêu trọng điểm của không quân Mỹ tập trung đánh phá, hủy diệt. Có thời điểm chỉ trong 5 tháng, địch đã huy động gần 500 lượt máy bay và hơn 400 tấn bom đạn đánh phá cầu Đáp Cầu và trận địa của các đơn vị phòng không bảo vệ cầu.
Để bảo vệ cây cầu và tuyến đường huyết mạch, tháng 3/1967, Quân chủng Phòng không – Không quân đã điều Trung đoàn 226 (nay là Lữ đoàn 226) về bảo vệ cầu Đáp Cầu. Thời gian đóng quân tại đây, tiểu đoàn 18 đã chiến đấu hàng chục trận, góp phần cùng cụm phòng không Trung đoàn 226 bắn rơi nhiều máy bay địch, trong đó có trận đánh ngày 17/10/1967 được ghi vào danh sách 10 trận tiêu biểu nhất lịch sử Quân chủng Phòng không- Không quân, khi chỉ trong hơn 2 phút, cụm phòng không đã bắn rơi liên tiếp 5 máy bay F-105D, được mệnh danh là "thần sấm" của không lực Mỹ, có 4 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 4 giặc lái...
Để có được những chiến công hào hùng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, theo số liệu chưa đầy đủ, 28 cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 226 đã anh dũng hi sinh, 40 đồng chí bị thương; riêng Tiểu đoàn 18 có 14 liệt sỹ... Ghi nhận những chiến công và sự hi sinh cao cả, năm 2018, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tiểu đoàn 18.
Nhân buổi gặp mặt, Đại tá Trịnh Vinh Pha xúc động cảm ơn ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tập đoàn quốc tế Phượng Hoàng và toàn thể cán bộ, nhân viên của Tập đoàn. Trong những năm qua, Tập đoàn Phượng Hoàng đã phối hợp và tài trợ nhiều kinh phí để các CCB tổ chức tìm kiếm, kết nối với thân nhân các liệt sỹ. Năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ và để ghi nhớ sự hi sinh của các liệt sỹ bảo vệ cầu Đáp Cầu, Tập đoàn Phượng Hoàng đã khánh thành Bia tưởng niệm liệt sỹ khang trang ở đỉnh đồi Pháo Thủ.
Nội dung khắc trên bia tóm tắt lịch sử, chiến công của Lữ đoàn 226 và tên tuổi, quê quán của các liệt sỹ. Hằng năm, Tập đoàn Phượng Hoàng đều phối hợp Ban Liên lạc bạn chiến đấu Lữ đoàn phòng không 226 tổ chức gặp mặt các CCB và thân nhân các liệt sỹ vào dịp kỉ niệm ngày chiến thắng lịch sử 17/10.
Cũng tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh đã ôn lại những tấm gương hi sinh dũng cảm, trong đó có người chỉ huy tài ba trận đánh ngày 17/10/1967 là đồng chí Nông Văn Dũng và một số sĩ quan, chiến sĩ thuộc kíp chiến đấu bị trúng bom, chỉ tìm được một phần nhỏ thi thể…
Đại tá Nguyễn Vàn, nguyên Cục trưởng Cục phòng không Lục quân đã tổng kết 5 bài học kinh nghiệm làm nên chiến thắng lịch sử ngày 17/10/1967 và khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử của chiến công này. Đại tá Nguyễn Vàn đề xuất Sư đoàn phòng không 365 phối hợp tỉnh Bắc Ninh tiến hành các thủ tục cần thiết đề nghị cấp thẩm quyền xây dựng Đài chiến thắng, hoặc Bia chiến thắng tại vị trí thích hợp nhằm lưu danh chiến công bắn rơi liên tiếp 5 máy bay địch chỉ trong hơn 2 phút. Kiến nghị của Đại tá Nguyễn Vàn đã nhận được sự đồng thuận của các CCB và thân nhân liệt sỹ dự buổi gặp mặt.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tập đoàn quốc tế Phượng Hoàng bày tỏ xúc động được đón các CCB và thân nhân liệt sỹ đến thăm, gặp mặt kỉ niệm chiến thắng lịch sử ngày 17/10/1967. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều năm qua, Tập đoàn Phượng Hoàng luôn sát cánh cùng Ban Liên lạc bạn chiến đấu Lữ đoàn pháo phòng không 226 tổ chức sưu tầm tư liệu về chiến thắng lịch sử ngày 17/10/1967; tìm kiếm, kết nối và hỗ trợ, tri ân các thương binh, thân nhân liệt sỹ đã tham gia bảo vệ cầu Đáp Cầu.
Đặc biệt, trước tâm nguyện của các CCB và thân nhân liệt sỹ, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ đồng hành cùng các cơ quan chức năng của địa phương, Trung ương trong quá trình làm các thủ tục cần thiết và xúc tiến xây dựng Tượng đài kỷ niệm chiến thắng bắn rơi 5 máy bay địch, bảo vệ an toàn cầu Đáp Cầu.
Nhân dịp này, Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng mời một số nghệ sỹ, ca sỹ tên tuổi ở TP Hồ Chí Minh đến giao lưu, phục vụ các CCB và thân nhân liệt sỹ nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Cũng tại buổi lễ, Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng đã trao quà tặng 37 thân nhân liệt sỹ; trao 100 triệu đồng tặng Ban Liên lạc bạn chiến đấu Lữ đoàn pháo phòng không 226 để tiếp tục tìm kiếm, kết nối và hỗ trợ thân nhân liệt sĩ, các CCB có hoàn cảnh khó khăn.