Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô là “chìa khóa” quan trọng để đất nước phát triển mạnh mẽ
Chiều 18/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức có chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc, trong đó nhấn mạnh rõ thông điệp phải kiên trì giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô để tăng cường năng lực chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn năm nay thu hút 450 đại biểu dự trực tiếp tại hội trường; khoảng 600 giảng viên, học viên và sinh viên của 6 học viện, trường đại học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế-Luật thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính) theo dõi theo hình thức kết nối trực tuyến tới các điểm cầu. Chỉ trong buổi sáng, riêng tương tác của người xem trên các nền tảng số đã đạt hơn 1 triệu lượt. Diễn đàn đã nhận được 44 lượt ý kiến của các diễn giả, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, đại biểu nước ngoài.
Các ý kiến tại diễn đàn thống nhất rất cao về việc đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam. Thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19. Dù kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thể hiện qua lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn thấp, nguy cơ dịch chồng dịch.
Xung đột giữa các nước gần đây đã làm trầm trọng thêm những khó khăn mà thế giới phải đương đầu do chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, làm cho giá năng lượng, giá lương thực tăng cao, làm xuất hiện yếu tố đình đốn, lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Cùng với đó là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tại Việt Nam, chỉ trong 8 tháng năm 2022, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh đang diễn ra rất khẩn trương trên thế giới, một mặt tạo ra nhiều cơ hội, nhưng mặt khác cũng đặt ra rất nhiều thử thách, khó khăn cho nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với lạm phát cao, tăng trưởng thấp thì Việt Nam lại duy trì được lạm phát thấp và đạt được tăng trưởng cao.
Năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mức dự đoán thận trọng nhất là Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7% và lạm phát duy trì ở mức dưới 4%. Nước ta cũng đạt được tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu lớn, dự đoán có thể đạt đến 750 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần quy mô GDP.
“Sản phẩm” của Diễn đàn Kinh tế năm 2021 là Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã tạo động lực, niềm tin rất lớn và nhận được sự đồng tình cao của xã hội.
Nghị quyết 43 đã tác động đến cả tổng cung và tổng cầu, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nghị quyết cũng thể hiện tinh thần tự tin của Việt Nam với nguồn lực theo tính toán khoảng 8,3%GDP, cao hơn rất nhiều mức trung bình khoảng 4,3% GDP của các nước có cùng trình độ phát triển với nước ta khi ứng phó với đại dịch.
Cùng với Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, là hàng loạt chính sách, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tung ra trong cả năm 2019 và năm 2020. Nhờ những giải pháp tổng hợp đó, chúng ta đã đạt được kết quả khả quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm luận điểm các đại biểu nêu ra là lạm phát cao trên thế giới chủ yếu là do đứt gãy nguồn cung. Vậy tác động của đứt gãy nguồn cung và của chính sách tiền tệ tới mức lạm phát của các nước đến mức nào? Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, vì liên quan tới đề xuất thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn mà các đại biểu đã nêu.
Về lập dự toán thu ngân sách Nhà nước, có ý kiến cho rằng việc lập dự toán thu ngân sách quá thận trọng cũng khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa. Nếu dự báo thu ngân sách phù hợp hơn thì sẽ tạo ra sự chủ động hơn trong sử dụng chính sách tài khóa.
Với đề xuất nới room tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều này không thể nóng vội. “Thông điệp của diễn đàn lần này là phải kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô thì sẽ được tất cả. Nếu mất ổn định kinh tế vĩ mô thì sẽ rất khó khăn. Cho nên phải kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cũng là giữ cho từng doanh nghiệp, giữ cho từng ngân hàng thương mại và cho từng tổ chức tín dụng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bên cạnh tổng mức tín dụng còn phải lưu ý tới cơ cấu tín dụng, chất lượng tín dụng; tiếp tục xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý ngân hàng hoạt động yếu kém, tăng cường tiềm lực cho các ngân hàng, trong đó có các giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc có nguồn vốn Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm: các thị trường (bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ…) chính là các “mạch máu” của nền kinh tế.
Do vậy, chúng ta phải có giải pháp để hệ thống “mạch máu” này lưu thông, phát triển lành mạnh và bền vững; phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực, khơi thông các loại thị trường, khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường nhưng đồng thời phải tạo điều kiện cho các thị trường phát triển, kết nối với thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc tập trung cho các mục tiêu trước mắt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh tới việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Đó là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đất đai. Đồng thời, chúng ta phải nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng phát triển được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đó là thực hiện mục tiêu vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã được khai mạc trọng thể vào sáng 18/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Chủ tọa phiên khai mạc diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan hữu quan, Đại sứ, Trưởng cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài... tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Diễn đàn kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu là các học viện, trường đại học trong nước, là cơ hội để các sinh viên, học viên trau dồi thêm khả năng học tập, nghiên cứu và hiểu biết về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 4 cơ quan gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Diễn ra trong một ngày, sau lễ khai mạc, buổi sáng đã diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề gồm: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế”; “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Chiều cùng ngày đã diễn ra phiên họp toàn thể (Toạ đàm cấp cao) chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng.