Lãng phí nghiêm trọng khi dự án kéo dài, đội vốn, nguồn lực bị "chôn" trong đất

16:11 15/05/2024

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, nhiều công trình quan trọng quốc gia chậm giải ngân hay đội vốn sẽ gây lãng phí. Hiện tượng đầu cơ bất động sản, người có tiền "mua rồi để đấy" khiến nguồn lực xã hội bị "chôn" trong đất.

Chiều 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn năm 2022

Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh trình bày cho biết, năm vừa qua, Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp; quan tâm chỉ đạo ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực; ban hành nhiều chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lãng phí nghiêm trọng khi dự án kéo dài, đội vốn, nguồn lực bị
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường. "Điều hành chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022" - Chủ nhiệm UBTCNS thông tin. Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao, như TP Hà Nội 10.946 tỷ đồng, Quảng Ninh 4.459 tỷ đồng, Bộ Tài chính 2.405 tỷ đồng, Bộ Công an 505 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, UBTCNS chỉ rõ, trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, lãng phí. Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Quang cảnh phiên họp.

Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.

Từ đó, UBTCNS đề nghị khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu đất đai; giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Cần phương án xử lý, giải phóng nguồn lực

Góp ý tại phiên họp, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho rằng, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2023 đã có nhiều chuyển biến, đạt kết quả quan trọng, tích cực. Song, báo cáo lại chưa thể hiện được kết quả thực hiện các nhiệm vụ mà Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành tại Nghị quyết số 74 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Theo đó, nghị quyết yêu cầu rà soát, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu, chồng chéo, mâu thuẫn. Sửa đổi bổ sung định mức chi công, tài sản công, xe công; hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 2021-2025...

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại nhiều năm nhưng chậm khắc phục như: tình trạng giao dự toán không đúng thời gian quy định; tiến độ cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt được kết quả đề ra; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đảm bảo tính khoa học, hiệu quả trong hoạt động, nhiệm vụ thu - chi còn trùng lắp với thu - chi của NSNN... "Đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, hạn chế tồn tại để có cơ sở đề ra các giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ", Tổng Thư ký Quốc hội chỉ rõ và đề nghị bổ sung thêm các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trên tinh thần "vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó".

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề cập tình trạng một số công trình, dự án kéo dài nhiều năm, đội vốn, không hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng diễn ra ở một số nơi. "Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn, cả việc giải quyết đối với các dự án trọng điểm ngành Công thương, tuy đạt được kết quả ban đầu, song một số dự án triển khai rất chậm, như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, kéo dài nhiều năm, cần phải làm rõ phương án xử lý", ông đề nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, góp phần quan trọng giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024; nhờ đó, nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, còn khá nhiều công trình vẫn chậm; công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa tốt, dẫn đến một số công trình mới hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác đã phải điều chỉnh, sửa đổi.

"Rút kinh nghiệm, chúng ta xây nhà mới tiền bỏ ra ít, nhưng sửa chữa nhà chắp vá tiền tăng lên nhiều, như thế là lãng phí. Một số công trình chậm do nhiều nguyên nhân, ví dụ cao tốc An Giang, Cần Thơ xuống Sóc Trăng thiếu đất cát, tiến độ chậm, nếu không khắc phục thì khả năng đội vốn xảy ra. Đường Vành đai 4 công tác chuẩn bị chưa tốt nên chi phí thu hồi đất, bồi thường, tái định cư qua địa bàn Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ tăng nhiều nghìn tỷ đồng...", ông nêu thực tế.

Đề cập thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lo ngại hiện tượng đầu cơ, người có tiền mua bất động sản rồi để đấy, người có nhu cầu không tiếp cận được, không mua được; tiền không đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. "Đề nghị cần có giải pháp xử lý tình trạng này, tránh việc nguồn lực xã hội bị "chôn" vào thị trường bất động sản. Cần giải quyết các thủ tục pháp lý để giải phóng nguồn lực từ các dự án bị "chôn" - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh

Trong giai đoạn 1997-2006, Việt Nam triển khai tích cực đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại và triển khai công tác đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu xả Hanayuki Conditioner - Chai 300g do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group và Công ty TNHH EBC Group sản xuất, đưa ra thị trường do có vi phạm; đồng thời tạm dừng hoạt động của hai công ty này.

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 24-28/5.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và quyết tâm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN “Bền vững và bao trùm”, đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định tại khu vực.

Sáng sớm 24/5, Hà Nội trời mưa to. Dưới cơn mưa, tại khu vực xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông- nơi đặt linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã có mặt, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn Lễ Quốc tang, phục vụ nhân dân tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hai dự án giao thông quan trọng của TP Cần Thơ là dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917 và dự án đường tỉnh 918 giai đoạn 2 đang bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu nền tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng.

Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đinh Xuân Sáng (SN 1984, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và bị can Vũ Thành Quang (SN 1994, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Giết người” và tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Theo tin từ TAND quận Tây Hồ (Hà Nội), ngày 5/6, cơ quan này sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử tài xế xe Lexus hành hung nam shipper gây bức xúc trong dư luận. Bị cáo là Tống Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 BLHS.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.