Lãnh đạo Hải Phòng đối thoại đại diện các doanh nghiệp FDI
Ngày 5/10, tại TP Hải Phòng, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo TP Hải Phòng cùng gần 700 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hải Phòng.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 985 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tỷ lệ trên 83% vốn đầu tư, các dự án đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 14%, còn lại là lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, khai khoáng.
Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến, Hội nghị được tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp FDI đồng hành cùng thành phố Hải Phòng: Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; kết nối chuỗi cung ứng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Hội nghị là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, từng bước tìm ra giải pháp thích hợp tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, thể hiện sự kỳ vọng của TP Hải Phòng đối với các doanh nghiệp FDI về sự đồng hành trong công cuộc đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực sản xuất thông qua kinh tế chia sẻ; kêu gọi các doanh nghiệp FDI phát huy hơn nữa tác động lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp FDI tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, kiến nghị trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, liên quan đến lĩnh vực đầu tư, môi trường đầu tư cũng như những chính sách mới, đặc biệt là cơ chế ưu đãi đầu tư tại TP Hải Phòng.
Bên cạnh đó, các ý kiến doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp FDI khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19, bão Yagi và các điều kiện khác trong bối cảnh diễn biến thị trường thế giới có nhiều biến đổi.
Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có bài phát biểu trao đổi với các đại biểu về cơ chế, chính sách chung đối với vấn đề thu hút vốn FDI. Ông cho biết, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn, pin xe điện, các linh kiện, sản phẩm điện tử...
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, vào những quyết sách của Chính phủ Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu rõ, lãnh đạo TP Hải Phòng luôn lắng nghe những chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp FDI với tinh thần cầu thị, trong đó có những vấn đề khó, tồn tại từ lâu và chưa được giải quyết thỏa đáng, có vấn đề mới mà pháp luật Việt Nam hiện đang hoàn thiện.
Đối với các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, yêu cầu UBND TP Hải Phòng tiếp thu và chỉ đạo các sở, ngành phải xử lý triệt để ngay và thông tin tới doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc của luật pháp, cần khẩn trương tổng hợp, có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, lãnh đạo TP Hải Phòng cam kết sẽ luôn đồng hành và giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, lãnh đạo TP Hải Phòng đã trao các biên bản ghi nhớ 5 lĩnh vực cho các doanh nghiệp, liên quan đến đào tạo và cung ứng lao động chất lượng cao; cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng doanh nghiệp sinh thái, kinh tế xanh, tuần hoàn; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.