Lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo
Việc ban hành Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động hướng nghiệp, học nghề phù hợp, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.
Sáng 3/6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thảo luận về Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm. Việc ban hành Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động hướng nghiệp, học nghề phù hợp, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; đồng thời tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án dân sự theo Chiến lược cải cách tư pháp.
Không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân
Là đại biểu đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ tán thành cao với đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Bên cạnh những lý do như Tờ tình của Chính phủ, đại biểu phân tích thêm sự cần thiết ban hành Nghị quyết này với các lý do sau: Thứ nhất, đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này. Theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67 % mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7 % không biết chữ, 54 %, trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do. Do đó, nếu không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.
Thứ hai, là vì lý do bất khả kháng, nhiều trại đã không tổ chức tốt việc lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Về nguyên tắc, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được tiến hành trong trại là tốt nhất. Thời gian qua, phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện ở một số trại, do nhiều trại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn, không thuận tiện dẫn tới chi phí sản xuất cao, nên các doanh nghiệp không đầu tư.
Thứ ba, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên thì thời gian qua Bộ Công an đã tổ chức thí điểm bước đầu cho phạm nhân lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo với Quốc hội. Theo báo cáo, tại nhiều điểm lao động cũng đã giúp đa dạng hóa các ngành nghề như xây dựng, may mặc, cơ khí thay vì thuần túy chỉ là làm nông nghiệp; tại nhiều điểm lao động còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi.
Thứ tư, cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Do đó, Bộ Công an cần triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.
“Một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1/2 thời hạn tù, có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội. Do đó, việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm” – đại biểu nhấn mạnh.
Rà soát thêm các quy định đối với phạm nhân là phụ nữ
Quan tâm đến những phụ nữ cải tạo trong trại giam, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết, tại địa bàn tỉnh Điện Biên có một đơn vị trại giam thuộc Bộ Công an, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát tại đơn vị để có thêm những thông tin phục vụ cho việc tham gia ý kiến về nội dung này.
Về quy định nhóm phạm nhân thuộc diện đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Đại biểu đề nghị quy định thêm quy trình lựa chọn đối với phạm nhân là phụ nữ, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, theo đó, quy trình lựa chọn theo hướng mở, nếu đủ điều kiện và tự nguyện thì được tham gia học nghề, lao động, nhưng nếu chưa sẵn sàng thì không phải tham gia, nhằm tạo điều kiện cho họ có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, tạo điều kiện chăm sóc con, chăm sóc sức khỏe khi đang mang thai.
Theo đại biểu, quy định như vậy thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người, là sự cụ thể hóa tiếp theo trong tổ chức thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự đối với người thi hành án phạt tù là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Không nên giới hạn số trại giam thí điểm
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bên cạnh những lý do như Tờ trình, đây còn là nội dung mang tính nhân văn, xã hội hóa cao. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, cần phải được đánh giá tác động của mô hình đối với tình hình kinh tế xã hội, anh ninh trật tự địa phương, sau đó tiến hành sơ kết, tổng kết.
Để dự thảo nghị quyết hoàn thiện hơn, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định tại Khoản 2 Điều 1 về số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đại biểu cho rằng không nên giới hạn số trại giam, mà cần căn cứ theo năng lực, khả năng quản lý của trại giam để thực hiện thí điểm này.
Về nguyên tắc, tại Khoản 3 Điều 1 dự thảo quyết quy định đầy đủ và chặt chẽ các nguyên tắc thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức hợp tác, các mô hình… để đảm bảo thống nhất với Luật Thi hành án hiện hành.