Lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước
Quan điểm ban hành Nghị quyết là chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước
Ngày 4/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt Nghị quyết 42 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới", nêu rõ quan điểm ban hành Nghị quyết là chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; đầu tư cho chính xã hội là đầu tư cho phát triển.
Quán triệt nghị quyết, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nêu rõ, hiện nay chính sách xã hội có những nội dung Trung ương làm đến tận cấp xã, việc của huyện Trung ương cũng làm; việc của tỉnh Trung ương cũng làm... Vấn đề này phải thống nhất quan điểm phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát đầu ra. Đặc biệt, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Vấn đề là chúng ta có cơ chế chính sách để cho họ phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tính chủ động. "Đây là cơ chế chính sách, là việc Nhà nước phải làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghị quyết số 42-NQ/TW đã nêu mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế, gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Thủ tướng cũng nêu các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 của Nghị quyết số 42-NQ/TW, trong đó, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả về vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi; xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội; có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương…
Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những điểm mới mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện. "Một là nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chính sách xã hội. Cái này phải tăng cường truyền thông, quyết tâm xây dựng và thực hiện chính sách xã hội theo hướng bền vững. Nhóm giải pháp thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, đảm bảo đồng bộ thống nhất khả thi phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Nhóm thứ ba là, nhiệm vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Quan tâm hơn nữa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Tiếp tục nâng cao mức chuẩn trợ cấp phụ cấp ưu đãi để có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe nhà ở, giáo dục đào tạo, việc làm, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về chính sách xã hội. Các tỉnh uỷ, thành uỷ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ðảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội; xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết, sớm đưa nội dung nghị quyết vào cuộc sống; ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết...