Lấy văn hóa làm nền tảng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

08:17 22/03/2023

Ngày 21/3, TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa học, văn hóa.

TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thủ đô.

Đẩy mạnh phát triển trục không gian sông Hồng    

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đô thị hóa là quá trình tất yếu và khách quan, song để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yếu tố quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị, tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị.

Để thực hiện định hướng và yêu cầu này, TP Hà Nội cần nhận diện quỹ di sản để có giải pháp tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết khu vực phát triển đô thị. Bên cạnh đó, TP cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong khu vực di sản khi lập quy hoạch; bổ sung và hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý liên quan đến bảo tồn di sản trong quy hoạch Thủ đô.

“Theo tôi, trong việc xây dựng Luật Thủ đô tới đây, các di sản vật thể của Hà Nội cần phải được nhận diện, quy hoạch lại một cách rõ ràng, từ đó có chiến lược giữ gìn, phát huy những di sản này một cách tốt hơn, góp phần xây dựng văn hóa Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, ông Nghiêm nêu ý kiến.

Còn theo GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội. Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 8 cây cầu qua sông Hồng, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng.

Ngoài ra, vùng Thủ đô với Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt và 9 tỉnh xung quanh là các đô thị vệ tinh gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang đang tạo ra giá trị lớn cho việc hội tụ, lan tỏa văn hóa Hà Nội, giúp cho văn hóa Hà Nội phong phú và đa dạng hơn. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng đồng tình việc cần chú trọng đẩy mạnh việc quy hoạch và phát triển trục không gian sông Hồng.

“Trong tương lai, sẽ có thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Mỗi cây cầu sẽ có những câu chuyện riêng mang nét văn hóa riêng của Hà Nội. Đây cũng là yếu tố để có thể khai thác du lịch, thu hút du khách. Vì thế, việc quy hoạch sông Hồng không chỉ là về cảnh quan, kiến trúc hai bên bờ sông theo hướng đô thị hiện đại mà còn cần tính đến các câu chuyện văn hóa, cũng như cần giải quyết ổn thỏa vấn đề dân sinh hai bên bờ sông”, ông Trần Ngọc Chính nêu.

Nguồn lực văn hóa mới chủ yếu ở dạng tiềm năng

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế, nhược điểm trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong thời đại mới và đề xuất nhiều ý kiến xác đáng. PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Mặc dù nguồn lực văn hóa ở Thủ đô Hà Nội hiện nay rất giàu có, phong phú, đa dạng nhưng tất cả mới chủ yếu ở dạng tiềm năng. Nếu không chuyển vào kết nối với sáng tạo, sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”.

Nhận diện nguồn tài nguyên văn hóa của Hà Nội trong phát triển kinh tế, xã hội, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội có lợi thế nhiều tài nguyên thiên nhiên, sông hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng… tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, “so với nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh…, Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế”.

Về việc khai thác nguồn tài nguyên di tích hiện có tại Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá, nhiều di tích của Hà Nội đã phát huy được giá trị như Di tích Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…, điều đó cho thấy các nguồn tài nguyên di tích đã và đang được khai thác tốt. Để phát huy tốt các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản hiện có, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất, Hà Nội nên củng cố hệ thống bảo tàng, trong đó tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân phát triển (như Bảo tàng tinh hoa làng nghề Việt ở Bát Tràng); đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư; đầu tư nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội chia sẻ: “Thực ra, trong những năm gần đây, Hà Nội quan tâm nhiều đến hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Không nhiều địa phương đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng chỉ để tu bổ văn hoá, đó mới mới chỉ là nguồn lực từ phía Nhà nước”. PGS.TS Phạm Thị Thu Hương mong muốn, mỗi thiết chế văn hoá truyền thống phải trở thành không gian sáng tạo. TP cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo nói riêng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội sẽ dành tới 14.029 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 di tích, trong đó ưu tiên cho các di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, cần bảo vệ khẩn cấp, các di tích đã được xếp hạng có giá trị cao, đang xuống cấp các hạng mục gốc, hư hỏng cấu kiện, kiến trúc và di tích cần phát huy điểm đến gắn với việc phát triển du lịch, nhằm phát huy giá trị, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

“Trong năm 2023, TP triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu. (CL)

Ngọc Yến

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文