Lễ trình Quốc thư đầu tiên của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam

06:22 10/12/2023

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh ngày 2/9/1945, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài; chính quyền cách mạng đứng trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo. Trong nước, các tổ chức phản động câu kết với nhau ra sức phá hoại, tìm cách lật đổ chính quyền mới.

Bên cạnh đó, hàng vạn quân Nhật còn hiện diện và 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc giải giáp quân Nhật, ngang ngược tuyên bố “Diệt cộng, cầm Hồ” và “sẽ ở lại Việt Nam lâu dài”. Trên bình diện quốc tế, chưa có một quốc gia nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đại sứ La Quý Ba trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thái Nguyên, ngày 1/9/1954). Ảnh tư liệu.

Chọc thủng vòng vây 

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19/12/1946, Việt Nam phải chiến đấu trong vòng vây trùng điệp… Song với đường lối trường kỳ kháng chiến đúng đắn, quân và dân ta đã thu được những thắng lợi to lớn trên chiến trường, chặn đứng âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp. Cùng thời gian này, Việt Nam còn phối hợp với quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tấn công, truy kích tàn quân Tưởng ở biên giới hai nước.

Ngày 14/1/1950, từ chiến khu Việt Bắc, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) phát đi một thông cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế giới: “Chính phủ Việt Nam DCCH là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam… Chính phủ Việt Nam DCCH sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”.

Ngay sau tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã liên tiếp diễn ra những sự kiện ngoại giao quan trọng. Ngày 15/1/1950, Việt Nam DCCH tuyên bố công nhận Cộng hoà Nhân dân (CHND) Trung Hoa. Ba ngày sau, CHND Trung Hoa công nhận Việt Nam DCCH (18/1/1950) và ngày 30/1/1950, Liên Xô công nhận Việt Nam DCCH…  

Nhằm tranh thủ sự ủng hộ và thắt chặt tình đoàn kết với các nước anh em, ngày 19/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô. Tại Bắc Kinh, Người đã gặp lại những người đồng chí, người bạn Trung Quốc thân thiết của mình, nay có người đã trở thành những nhà lãnh đạo trụ cột của nước CHND Trung Hoa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Ngày 3/2/1950, đúng kỉ niệm 20 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Bác Hồ thăm Liên Xô lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam DCCH; đây là một chuyến thăm bí mật nên báo chí không đưa tin. Trong dịp này, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đang có mặt tại Matxcơva để kí Hiệp ước đồng minh tương trợ hữu nghị Trung - Xô. Các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc khẳng định sẽ ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong cuộc làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyên soái Stalin và Chủ tịch Mao Trạch Đông thỏa thuận 2 nước sẽ cung cấp vũ khí cho 6 đại đoàn bộ binh của Việt Nam. Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định: tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam. 

Việc Trung Quốc, Liên Xô công nhận Việt Nam DCCH và thiết lập quan hệ ngoại giao, giúp đỡ vật chất cho cuộc kháng chiến chống Pháp, đã khiến tương quan lực lượng có lợi cho Việt Nam. Từ chỗ đơn độc chiến đấu trong vòng vây trùng điệp, Việt Nam DCCH đã chọc thủng vòng vây; cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước sang một giai đoạn mới và thắng lợi là điều không thể đảo ngược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đón tiếp tại sân bay Bắc Kinh, năm 1957. Ảnh tư liệu.

Lễ trình Quốc thư giữa Thủ đô kháng chiến Việt Bắc

Với tinh thần chiến đấu bền bỉ, anh dũng của quân và dân ta, cùng sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô và nhân dân tiến bộ thế giới, Việt Nam đã làm nên trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Sau Hiệp định Geneva (20/7/1954), ngày 19/8/1954, CHND Trung Hoa chính thức cử Đại sứ đầu tiên tại Việt Nam, là đồng chí La Quý Ba. Trong lúc quân và dân ta đang tích cực chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), một sự kiện ngoại giao quan trọng diễn ra: Lễ trình Quốc thư của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa. Điều đặc biệt, đây là lễ tiếp nhận quốc thư đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước Việt Nam DCCH và diễn ra tại Thủ đô kháng chiến Việt Bắc. 

Đúng 16h chiều 1/9/1954, bắt đầu diễn ra Lễ trình Quốc thư. Trong ngôi nhà do Lực lượng Thanh niên xung phong dựng lên tại một địa điểm bí mật thuộc huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ở chính giữa phía đầu hội trường. Đứng bên phải Hồ Chủ tịch là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Vụ trưởng Lễ tân Vũ Đình Huỳnh. Về phía Sứ quán Trung Quốc, có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền La Quý Ba và 3 cán bộ là Tham Tán, Bí thư thứ hai và Bí thư thứ ba. Đại sứ La Quý Ba bước lên, hai tay trân trọng trình Quốc thư lên Hồ Chủ tịch.

Tiếp đó, đại sứ La Quý Ba đọc diễn văn, có đoạn: “Thưa đồng chí Chủ tịch, trong lúc này trình Quốc thư lên Chủ tịch, tôi xin thay mặt Chủ tịch Chính phủ nhân dân trung ương nước CHND Trung Hoa và nhân dân Trung Quốc gửi lời chào cao cả và chân thành tới Chủ tịch và nhân dân Việt Nam anh dũng. Nhân dân Việt Nam anh dũng đã kiên quyết không chịu khuất phục, đấu tranh trường kì để chống kẻ xâm lược nước ngoài, tranh thủ độc lập và tự do của dân tộc, và trong tám năm kháng chiến gian khổ đã tỏ rõ tinh thần ái quốc chủ nghĩa vĩ đại. Nhân dân Trung Quốc rất khâm phục và kính mến nhân dân Việt Nam”... Đại sứ La Quý Ba trịnh trọng hứa: “Tôi sẽ dốc toàn sức để củng cố và tăng cường tình đoàn kết và hữu hảo vững bền như anh em giữa nhân dân hai nước và làm cho quan hệ hợp tác kinh tế và văn hoá của hai nước chúng ta ngày càng phát triển”.

Sau khi nhận Quốc thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chúng tôi biết rằng: một trong những nguyên nhân to lớn của thắng lợi chúng tôi là nhân dân Trung Quốc và nhân dân Liên Xô đã ủng hộ chúng tôi như anh em, nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới và nhân dân Pháp cùng ủng hộ chúng tôi”. Tiếp đó, Hồ Chủ tịch nêu rõ nhiệm vụ hàng đầu của nước Việt Nam DCCH trong những năm tới là nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Geneva, khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước, xây dựng tình đoàn kết và hữu nghị với các nước láng giềng và cộng đồng thế giới.

Hơn 70 năm qua, mối quan hệ Việt – Trung ngày càng phát triển, tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước thêm hiểu biết, gắn bó keo sơn. Đó là điều phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước và có lợi cho hoà bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Trần Duy Hiển

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文